Bài 12 Huyền tích về tướng quân họ Lương

Bài 12: Huyền tích về tướng quân họ Lương

19/08/2013 20:17

>Bài 11: Họ Đặng lập mường Xiềng Nứa

Họ Lương mường Xiềng Men thuộc nhóm Thái Tay Mương. Họ nhận thức cộng đồng của mình vốn là dân tộc bản địa, đã cư trú từ lâu đời trên địa bàn này. Mường Xiêng Men xưa là một mường nhỏ gồm bản Xiềng Líp ngày nay và một số bản lân cận gồm bản Pom, bản Cang, bản Lủm. Ngày ấy, họ Lương không phải thế lực nhất mường nhưng lại được nắm quyền cầm quân ngăn giặc giã xâm lấn mường. Tuy nhiên, quyền lực này không cao như những dòng họ nắm binh quyền. Quyền lực lớn nhất vẫn thuộc về chủ mường.

Công trạng nổi bật nhất của ông tổ dòng họ Lương được làng bản lưu truyền là chuyện ông cầm quân chống lại một tên bạo chúa từ nơi khác đến cướp quyền cai quản của chủ mường, gọi là Hán tư mương. Thấy trong bản có người vợ nào trẻ đẹp liền chiếm đoạt bằng cách bắt người chồng phải ngủ gian ngoài vốn dành cho khách, còn hắn ngủ buồng trong. Hành động vô đạo này khiến dân tình bất bình, trong đó có ông tướng quân họ Lương. Ông tuyên bố dù có phải mất bản mất mường cũng phải chống lại. Trong một trận quyết chiến, vị tướng họ Lương đã chém chết tên bạo chúa. Về sau, ông được con cháu lập đền thờ trên ngọn đồi cao trong bản Xiềng Líp.

Sau công trạng đó, tướng quân được chủ mường giao cho cầm quân đánh đuổi giặc Xá. Theo một số tư liệu thì cộng đồng Xá vốn có gốc gác từ miền núi phía bắc. Họ vốn là một cộng đồng khá hiếu chiến do chạy trốn nghĩa quân của Lê Lợi nên tìm đến những miền đất phía nam cướp phá nên bị người Thái đánh đuổi.

Bài 12 Huyền tích về tướng quân họ Lương
Vị trí ngôi đền ngày nay chỉ còn lại là một vườn cây.

Tuy nhiên, huyền tích Hán tư mương khá phổ biến trong cộng đồng người Thái dọc Quốc lộ 7A. Người Thái ở Con Cuông gọi là "xấc hò, xấc Hán tư mương" nghĩa là giặc hò, giắc Hán chiếm mường. Đây có thể là ký ức xa xưa về những thế lực xâm lược phương bắc từng gây ít nhiều ảnh hưởng đến vùng đất miền Tây Nghệ An. Chất huyền thoại đậm đặc hơn ở câu chuyện tướng quân họ Lương đánh thuồng luồng vì linh vật này vốn chỉ có trong huyền thoại.

Ông Lo Xiêng Ín (88 tuổi), trú bản Xiềng Líp (Yên Hòa - Tương Dương) kể về dòng họ Lương của mẹ mình rằng: Trước đây, bản còn có các chủ mường ngoài việc được cầm quân đi dẹp giặc cướp quấy nhiễu, người họ Lương còn giữ nhiệm vụ làm "chàu đằm". Đó là những thầy mo chuyện việc ma chay cưới hỏi, lễ hội. Họ Lương ngày ấy chỉ có vài hộ gia đình nhưng lại là dòng họ uy tín bởi họ là những người đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp. Mới đầu bản ở trên đồi cao, sau 2 lần hỏa hoạn vào năm 1950 và 1966, dòng họ Lương chuyển xuống chân đồi dựng nhà. Từ đó "bà hỏa" không ghé thăm bản Xiềng Líp lần nào nữa.

Ông Xiêng Ín, dân bản vẫn thường gọi bằng cái tên thân mật là May Đanh, kể rằng: Trước năm 1950, ở trên ngọn đồi đầu bản có một ngôi đền ngoảnh mặt về phía bản ngày nay. Ngôi đền bằng gỗ, mỗi gian dài 2 sải tay, chiều rộng cũng gần 6 sải. Cuối năm âm lịch, khi lúa đã thu hoạch về, bản mở hội đền. Sau 2 mùa hội, mùa thứ 3 thì mổ trâu tế thần gọi 4 vị thờ ở 4 gian trong ngôi đền về hưởng lộc.

Tuy nhiên, sau hỏa hoạn ngôi đền bị thiêu rụi, từ đó việc cúng tế và hội đề cũng ngừng từ khoảng sau năm 1950 đến nay. Hiện tại vị trí ngôi đền chỉ còn lại một vườn xoan do con cháu họ Lương trồng lên để dân bản không xâm phạm đến phần đất thờ tự tổ tiên của họ ngày trước.

Cũng như những dòng họ Lương khác, họ Lương ở mường Xiềng Men cũng kiêng ăn thịt hổ. Họ coi hổ là tổ tiên của mình. Mâm cúng ngày tết của họ ngoài những mâm cúng chính trên bàn thở tổ tiên, ngày tết còn có mâm cúng ở chân cầu thang. Đây không phải mâm cúng thổ địa, hay long mạch như một số cộng đồng khác mà là cúng cho những vong hồn không nơi nương tựa, để họ có được một cái tết yên ấm.

Ngày nay, nhiều người trong dòng họ Lương mường Xiềng Men xưa đã tìm đến tại nhiều nơi khác nhau. Những huyền tích về dòng họ chỉ còn lưu lại trong trí nhớ của những người cao tuổi như cụ Xiêng Ín...


Hữu Vi

Link nội dung: http://lichamtot.com/bai-12-huyen-tich-ve-tuong-quan-ho-luong-bao-nghe-an-a17667.html