Tru di cửu tộc khiến những người nào bị liên lụy Tại sao người thân phạm nhân không chạy trốn

Luật pháp ở Trung Quốc cổ đại cực kỳ nghiêm khắc, thậm chí còn có một Bộ Hình đặc biệt chịu trách nhiệm thi hành hình phạt. Nhắc đến những hình phạt dã man và vô nhân đạo thời cổ đại, chúng ta không khỏi liên tưởng đến:

Chém đầu, ngũ mã phanh thây, lăng trì... nhưng những loại cực hình này chưa phải là thảm khốc nhất.

Tru di cửu tộc có lẽ là hình phạt rất quen thuộc vì xuất hiện trong các bộ phim cổ trang cung đấu Trung Quốc, khi ai đó xúc phạm quyền lực hoàng gia, tạo phản và làm những việc chống lại Hoàng đế.

Nguồn gốc của hình phạt Tru di

Hình phạt Tru di thường áp dụng cho các tội danh nặng nhất, bao gồm "thông địch phản quốc" (phản quốc, tư thông với kẻ địch), "khi quân phạm thượng" (dối vua, mạo phạm đến hoàng gia), "mật mưu tạo phản" (âm mưu nổi loạn, phản nghịch), "thao thiên tử tội" (tội lớn tày trời).

Hình phạt này nhằm diệt trừ hậu hoạ, nhổ tận gốc những ảnh hưởng từ tội nhân cùng với thân nhân của họ, đồng thời củng cố uy quyền tối cao của Hoàng đế. Xử lăng trì hoặc chém đầu thị chúng là những phương thức hành quyết chủ yếu trong hình phạt Tru di.

Tru di cửu tộc khiến những người nào bị liên lụy? Tại sao người thân phạm nhân không chạy trốn? - Ảnh 1.

Hình phạt Tru di được cho rằng khởi thủy từ triều Thương trong lịch sử Trung Quốc. Bấy giờ, hình phạt này được gọi là nhị điễn, xử tử tội nhân cùng với con cái của họ.

Đến thời Tần, các hình phạt tru di trở nên nghiêm khắc hơn dưới thời Tần Thủy Hoàng, được mở rộng lên phạm vi "tam tộc" (3 dòng), "ngũ tộc" (5 dòng), "thất tộc" (7 dòng). Dưới thời Hán, mặc dù vẫn kế thừa hình phạt tru di, nhưng đã ôn hòa hơn. Trong nhiều trường hợp, hoàng đế sẽ rút lại bản án, và vì vậy các vụ tru di hiếm hơn nhiều so với thời nhà Tần.

  • Số phận hẩm hiu của "tứ đại mỹ nam" Trung Quốc: Người bị tru di tam tộc, người chết vì bị theo đuổi quá nhiềuĐọc ngay

Tuy nhiên, vào cuối thời Đông Hán, các vụ tru di xảy ra thường xuyên hơn do quyền lực của các hoàng đế phần lớn bị rơi vào tay quyền thần, nổi bật là hai vụ tru di Đổng Trác và Đổng Thừa là do các quyền thần Vương Doãn và Tào Tháo ra lệnh.

Hình phạt Tru di được mở rộng đến cửu tộc vào thời Tùy Dạng Đế của nhà Tùy. Trong thời nhà Đường, hình phạt tru di chỉ được áp dụng cho những người âm mưu chống lại sự cai trị của Hoàng đế, đối tượng hành quyết là cha mẹ, trẻ em trên mười sáu tuổi và những người thân cận khác.

Sang thời nhà Minh, các vụ tru di xảy ra nhiều hơn. Hình phạt tru di trong thời nhà Thanh là một sự bắt chước trực tiếp các quy định dưới thời nhà Minh. Hình phạt tàn khốc này chỉ được chính thức bãi bỏ vào năm 1905, cuối thời nhà Thanh.

Tru di cửu tộc khiến những người nào bị liên lụy? Tại sao người thân phạm nhân không chạy trốn? - Ảnh 3.

Có nhiều thuyết khác nhau về định nghĩa "tam tộc". Có thuyết cho rằng "tam tộc" là cha mẹ, anh em, vợ con. Thuyết khác cho rằng "tam tộc" chính là cha, mẹ, vợ. Cũng có thuyết lại cho "tam tộc" là cha, con, cháu.

"Cửu tộc" cũng có nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng đến nay người ta vẫn quan niệm 9 họ theo đời nhà Chu: Cha mẹ, anh chị em, con trai con gái; cô ruột; con chị em gái; cháu ngoại; ông ngoại; bà ngoại; dì ruột; cha vợ; mẹ vợ.

Những lần hình phạt Tru di được thi hành chấn động lịch sử Trung Quốc

Nhiều người nghĩ rằng Tru di cửu tộc là hình phạt phổ biến vì thường được nhắc đến trong phim truyền hình, nhưng trên thực tế, người thực sự bị Tru di cửu tộc trong lịch sử rất ít. Trong đó tiêu biểu nhất là 2 trường hợp sau:

Tru di cửu tộc khiến những người nào bị liên lụy? Tại sao người thân phạm nhân không chạy trốn? - Ảnh 4.

Người đầu tiên là Dương Huyền Cảm của nhà Tùy. Ông sinh ra trong một gia đình quan lại thế gia. Cha của ông là Dương Tố, làm quan trong triều nhà Tùy, đã giúp Tùy Dạng Đế giành được ngôi vị và dẹp loạn Hán vương Dương Lương, là một đại công thần của triều đình.

Nhưng sau khi Dương Tố qua đời, Dương Huyền Cảm kế thừa chức vị và được thăng làm Bộ Lễ. Lúc này, sự nghi ngờ của Tùy Dạng Đế ngày càng trầm trọng, Dương Huyền Cảm cũng nảy sinh tâm tư bất tuân. Tùy Dạng Đế đại chiến với Cao Ly lần thứ hai, không ngờ rằng hậu họa lại đến từ người thân cận với mình.

Dương Huyền Cảm nhân cơ hội này làm loạn, nhưng đã đánh giá thấp thực lực của Tùy Dạng Đế. Tùy Dạng Đế đang dốc toàn lực chiến đấu ở tiền tuyến buộc phải quay về kinh đô, nhanh chóng dẹp sự phản loạn của Dương Huyền Cảm. Sau khi bắt được Dương Huyền Cảm, Tùy Dạng Đế vô cùng căm ghét và tra tấn bằng mọi cách.

Đồng thời, Tùy Dạng Đế đã trừng phạt cửu tộc của Dương Huyền Cảm và đổi họ của ông thành "Kiêu" như một hình phạt, vì "Kiêu" trong chữ tượng hình thể hiện hình ảnh người bị chém đầu rồi bêu lên cây.

Tru di cửu tộc khiến những người nào bị liên lụy? Tại sao người thân phạm nhân không chạy trốn? - Ảnh 5.

Người thứ hai bị Tru di cửu tộc là Phương Hiếu Nhụ, một đại thần vào đầu thời nhà Minh. Song, Phương Hiếu Nhụ không bị Tru di cửu tộc, mà là Tru thập tộc, liên lụy đến 10 nhánh tộc trong gia đình.

Sau chiến dịch Tĩnh Nan (cuộc nội chiến trong những năm đầu Triều Minh giữa Chu Doãn Văn và người chú Yên vương Chu Đệ), Yên vương Chu Đệ tiếp quản Nam Kinh, Phương Hiếu Nhụ là người đứng đầu nhóm đại thần. Để Phương Hiếu Nhụ đứng về phía mình, Chu Đệ cũng đã cố gắng hết sức để sử dụng mọi cách, đe dọa và dụ dỗ.

Nhưng Phương Hiếu Nhụ cứng rắn và không nhượng bộ, cuối cùng, Chu Đệ rất tức giận và nói với Phương Hiếu Nhụ: "Người không sợ rằng ta sẽ Tru di cửu tộc nhà ngươi sao?".

Phương Hiếu Nhụ: "Cho dù ngài Tru thập tộc thì ta cũng không sợ". Chu Đệ phẫn nộ, thế là đã đồ sát 10 tộc gia đình của Phương Hiếu Nhụ.

Tại sao người thân phạm nhân không chạy trốn?

Vô số người trong nhà bị liên lụy, vậy tại sao họ không chạy trốn? Trên thực tế, không phải người ta không muốn trốn đi, mà là họ “lười” và không dám chạy.

Tru di cửu tộc khiến những người nào bị liên lụy? Tại sao người thân phạm nhân không chạy trốn? - Ảnh 6.

Một, giao thông không thuận tiện. Vào thời cổ đại, giao thông lạc hậu, đi lại rất bất tiện, do đó "lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát", chạy đến đâu cũng khó có thể thoát được mạng lưới truy bắt của triều đình.

Hai, không có nơi nào để đi. Chế độ hộ tịch (hộ khẩu) thời xưa khá hoàn thiện. Do đó rất khó để di chuyển từ nơi này sang nơi khác mà không có giấy thông hành. Ra vào cổng thành đều phải trải qua nhiều tầng kiểm tra, cho dù tình cờ thoát khỏi thành, cũng khó có thể sống sót ở nơi khác.

Ba, một lòng muốn chết. Cho dù đương sự trốn thoát, nhưng người thân trong nhà đều đã bị kết án tử hình, một mình lưu lại nhân gian có ích lợi gì.

Cho nên, rất nhiều người đơn giản là lười trốn, mà có muốn cũng không dám.

Hơn nữa, người Trung Quốc xưa bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “Vua muốn quần thần chết, quần thần cũng phải chết”. Trong xã hội phong kiến, cường quyền tràn ngập khắp mọi nơi, thay vì nghĩ đến việc chạy trốn bất khả thi, thà rằng tìm cách để được Hoàng đế tha thứ, từ đó thoát được họa sát thân.

Nguồn: 163

Link nội dung: http://lichamtot.com/nhung-lan-tru-di-cuu-toc-chan-dong-lich-su-trung-quoc-afamily-a17644.html