Người về yên giấc ngàn thu

Tất cả im lặng, trang nghiêm dường như ai cũng muốn để yên cho Đại tướng nằm nghỉ sau cuộc hành trình hơn thế kỷ của cuộc đời vì dân vì nước, không gian chỉ nghe tiếng gió vi vu trên cánh rừng thông xanh thẫm.

Tôi vừa hoàn thành việc biên soạn cuốn Hồi ký Điện Biên cho người anh họ của tôi - một chiến sĩ Điện Biên năm nay đã sắp bước vào tuổi chín mươi. Anh viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Sang năm tròn sáu mươi năm chiến thắng Điện Biên Phủ, cầu trời cho Đại tướng khoẻ lại để về thăm chiến trường xưa, gặp lại đồng chí, đồng bào...”. Thế nhưng lời cầu trời của anh đã không thành sự thực. Tin Đại tướng từ trần như một luồng điện lan truyền khắp nơi. Anh khóc, những giọt nước mắt của một người lính già lăn trên gò má nhăn nheo in đậm những vết da mồi. Anh ôm mặt khóc nức nở như trẻ nhỏ. Anh bảo anh phải về Hà Nội để thắp cho Thủ trưởng nén nhang...

Tôi về Hà Nội ngày 12-10 nên không thể vào thắp hương viếng Đại tướng tại nhà riêng được, đành cùng mấy anh em lặng lẽ đi trên tuyến phố mà linh xa sẽ đưa Đại tướng đi qua, cố chọn một góc nào đó thật đẹp để ghi lại hình ảnh có ý nghĩa nhất, góc chụp nào gắn bó Thủ đô của Tổ quốc với một người anh hùng như Đại tướng.

Đoàn người nối tiếp nhau lên viếng mộ Đại tướng.
Đoàn người nối tiếp nhau lên viếng mộ Đại tướng.

Tôi đi giữa những dòng người đưa tiễn Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhìn những giọt lệ rơi trên những khoé mắt trẻ già khóc đưa tiễn Đại tướng mà lòng tôi bỗng nhớ về Bác Hồ kính yêu ngày Bác đi xa hơn bốn mươi năm trước. Cột cờ Hà Nội như trầm mặc hơn trong nắng thu vàng. Chiếc linh xa chầm chậm lăn bánh trên đường Điện Biên Phủ. Hàng ngàn hàng vạn cánh tay giơ cao, hàng ngàn hàng vạn con mắt nhìn theo hút bóng người anh hùng dân tộc. Những tiếng nức nở, những tiếng hô vang chào tiễn biệt cứ rộ lên, rộ lên không ngớt…

Từ Đất mỏ Quảng Ninh, hai ông cháu tôi đi chuyến xe đêm về thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, vào những ngày cuối tháng mười này để kịp hành trình cùng gia đình chị tôi và các con cháu của anh chị vào Quảng Bình viếng mộ Đại tướng. Những ngày này, đồng bào khắp miền đất nước đều hướng về Vũng Chùa - Đảo Yến Quảng Bình - nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Trên quốc lộ số 1, nhiều xe ô tô cắm cờ, căng băng zôn đỏ ghi dòng chữ: XE ĐI VIẾNG MỘ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP. Có chiếc xe mở toang cửa sổ chở mấy chục cựu chiến binh quân phục chỉnh tề đang hát bài Giải phóng Điện Biên. Có xe mở loa vang vang bài hát QUẢNG BÌNH QUÊ TA ƠI! Lòng tôi thấy xốn xang như ngày nào hành quân ra trận.

Mộ phần Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Mộ phần Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Vượt hầm đèo Ngang chừng bảy cây số rồi rẽ trái là con đường về Núi Phúc Vũng Chùa - Đảo Yến. Hai bên đường bà con bày bán hương và hoa tươi để phục vụ đồng bào đi viếng mộ Đại tướng. Những chiếc xe dừng lại bên đường, người mua, kẻ bán nhìn nhau và hiểu nhau qua ánh mắt, không mặc cả chèo kéo. Đoạn đường cấp phối dài hơn 2km làm gấp rút trong hai ngày để kịp đón Đại tướng trở về, sau hơn chục ngày tấp nập xe ra vào viếng mộ giờ đây mặt đường có đôi chỗ đã bị lầy lội ổ gà. Xe ô tô, xe máy, người đi bộ nối tiếp nhau vào ra trên con đường đất trơn nhẫy vì cơn mưa đêm trước. Chiếc xe chở khách cỡ lớn mang tấm băng zôn đỏ ghi đậm dòng chữ vàng: ĐOÀN CÁN BỘ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TIÊU BIỂU TỈNH TUYÊN QUANG đang từ từ lăn bánh trên đường trở ra, chắc rằng bà con đã vào trong này từ đêm trước nên bây giờ đã vào viếng Đại tướng và quay về. Đọc biển số xe tôi thấy hầu như tỉnh nào cũng có xe đưa người đến viếng Đại tướng…

Mỗi người dân một nhành hoa bé nhỏ dâng lên Đại tướng thôi mà hoa đã phủ kín lớp này, lớp khác bên con đường dốc lên nơi Đại tướng yên nghỉ. Tôi hỏi chiến sĩ biên phòng ngồi trong phòng đăng ký thì được biết, những ngày này số lượng đồng bào đến thắp hương viếng mộ Đại tướng chừng hai ngàn người mỗi ngày, chưa kể thứ bảy và chủ nhật số người đến viếng còn đông hơn. Đoàn người xếp hàng đôi lặng lẽ nhích dần lên dốc. Con đường rải đầy đá mạt lạo xạo dưới những bước chân. Tất cả im lặng, trang nghiêm dường như ai cũng muốn để yên cho Đại tướng nằm nghỉ sau cuộc hành trình hơn thế kỷ của cuộc đời vì dân vì nước, không gian chỉ nghe tiếng gió vi vu trên cánh rừng thông xanh thẫm. Cháu gái tôi nhẹ nhàng đặt nhành hoa cúc vàng bên muôn vàn nhành hoa của những đoàn người đi trước. Cháu bỗng trầm tư như người lớn, thắp nén hương vào đỉnh hương lớn trước mộ Đại tướng rồi đứng chắp tay vái lạy. Có tiếng khóc bật lên của một người lính già khi vừa bước lên bậc thềm trước mộ. Mỗi người chỉ được đứng trước mộ Đại tướng để tưởng niệm Người chừng một phút thôi, thời gian còn để dành cho biết bao đồng bào đang đứng đợi. Cũng như lễ viếng tại nhà riêng của Đại tướng ở số 30, phố Hoàng Diệu, Hà Nội, đồng bào đến viếng Đại tướng đều được nhắc nhở không thắp hương, không đặt lễ. Đại diện gia đình họ mạc của Đại tướng đã đứng thắp sẵn hương để đưa cho đại diện từng đoàn. Có cụ bà ngoài chín mươi tuổi cũng bảo con cháu dìu lên dốc để đến bằng được nơi Đại tướng yên nghỉ. Có gia đình bế theo cả con nhỏ lặn lội đi xe máy vượt đường xa cả ngàn cây số từ biên giới về để được vào viếng mộ Đại tướng. Họ còn trẻ lắm, chỉ ở cái tuổi chưa đầy bốn mươi, họ đâu biết chiến tranh là gì, vậy mà sao với họ Đại tướng lại gần gũi thân thương đến thế? Họ đeo băng tang tựa như để tang người cụ, người ông ruột thịt của mình. Ôi Đại tướng của lòng dân, Đại tướng của dân tộc, của non nước Việt Nam này. Đại tướng nằm trong lòng đất như muôn vàn người dân bình thường khi về cõi vĩnh hằng. Hai vòng hoa cúc mang sắc vàng, trắng và xanh đặt bên mộ Người. Sắc trắng của hoa như muốn nói lên cái tâm trong trắng không chút vẩn đục của người anh hùng trọn đời vì dân, vì nước. Sắc vàng là sắc màu của Phật, phải chăng Người đã sớm được về cõi Niết Bàn như cái tâm rất Phật của Người. Còn màu xanh của lá là màu của dân tộc, của đất nước mãi mãi trường tồn xanh tươi mà Người đã nguyện suốt đời phụng sự. Người nằm đây bốn mùa nghe gió rừng thông reo và sóng biển vỗ ru bờ. Người nằm đây ngày ngày đón ánh bình minh chiếu sáng đất trời. Người nằm đây giữa sông núi nước Nam, muôn đời ấm áp, bởi lòng dân luôn ghi nhớ công ơn một người anh hùng dân tộc.

Bà cụ ngoài 90 tuổi lên viếng mộ Đại tướng.

Núi Phúc là ngọn núi nơi Đại tướng chọn cho mình yên giấc ngàn thu. Người nằm đó nhìn ra đảo Yến, nhìn xa hơn nữa là biển Đông của Tổ quốc ta. Cái tên Vũng Chùa đã có từ thời xa xưa lắm, bởi nơi đây có một ngôi chùa hướng ra biển Đông. Ngôi chùa cổ xưa ấy đã không còn nữa bởi biết bao biến đổi của thời gian và thăng trầm của thời cuộc. Giờ đây nơi này người dân đã dựng nên một ngôi chùa nhỏ, chừng mươi mét vuông, nằm khiêm nhường nơi nền đất cũ, trong chùa có pho tượng Phật Bà ngàn mắt ngàn tay. Một tháp chuông nằm xế bên trái chùa, cạnh đường lên mộ Đại tướng là của gia đình Đại tướng xây dựng từ nhiều năm nay. Nghe nói tiếng chuông ấy mỗi khi ngân lên vang xa đứng trên đỉnh đèo Ngang vẫn còn nghe thấy. Một cụ già râu tóc bạc trắng như cước đứng nhìn đăm đăm về phía đảo Yến, cụ nói với tôi và mấy người đứng bên: Cụ Đại tướng chọn nơi này để an nghỉ là phải lắm, đây là nơi huyệt đạo vượng, có tả thanh long, hữu bạch hổ, nơi này chỉ có cụ Đại tướng là người xứng đáng được táng vào, bởi cụ là người có tâm, có đức, có công với dân, với nước, vì dân, vì nước chẳng quản thăng trầm. Cụ Đại tướng nằm đây nhìn ra biển Đông là có ý lắm, có ý lắm...

Chúng tôi cúi đầu bái vọng từ biệt và cầu mong Đại tướng yên giấc ngàn thu. Trên đường trở ra, chúng tôi liên tiếp gặp những chiếc xe đưa đồng bào đến Vũng Chùa viếng mộ Đại tướng và cũng gặp rất nhiều xe mang băng zôn ghi dòng chữ “Hàng cứu trợ đồng bào miền Trung bị bão lụt”. Trong tôi bỗng vang lên hai tiếng đồng bào… Lòng dân ta là như thế, thuỷ chung son sắt, nghĩa tình tròn vẹn, cưu mang, đùm bọc nhau, no đói có nhau...

Ghi chép của Hoài Giang (CTV)

Link nội dung: http://lichamtot.com/nguoi-ve-yen-giac-ngan-thu-bao-quang-ninh-a17065.html