Tay ngang có gọi là nghiệp dư

Tay ngang có gọi là… nghiệp dư?
Ảnh minh họa

Nghiệp viết báo

Tám năm đi làm qua 3 tòa soạn báo, nhiều người từng hỏi tôi: “Viết báo có khó không?”. Quả thực rất khó trả lời. Gọi là khó thì không quá khó, mà dễ thì cũng chẳng phải. Thường dân khối C khi xưa, những năm cuối cấp hay mơ mộng một ngày nào đó có được áng văn thơ mà mọi người phải tìm đọc. Riêng tôi, khả năng văn thơ không được bằng bạn bằng bè, nên chuẩn bị trước là thi báo chí. Cũng là để thỏa cái ước được viết, đi và được mọi người biết tới.

Ấy là những mơ mộng thời cắp sách đi học. Còn thực tế chẳng vậy. Những kiến thức báo chí trong trường, cộng với nhiệt huyết tuổi trẻ chỉ giúp tôi kiếm được vài bài báo về đoàn đội và dăm ba vụ việc tranh chấp bên lề đường...

Ít bài đăng, tôi mau nản trong khi các anh chị phóng viên khác cứ sôi sung sục, gõ máy lách tách liên tục, bài đăng ào ào. May có anh Phó ban Thể thao thấy tôi ngu ngơ tội nghiệp bèn bảo: “Chưa về ban nào thì về ban anh mà làm”. Nghe thoạt đầu thì mừng, nhưng qua ban đó thì “choáng toàn tập”. 7-8 ông đàn ông đen nhẻm, trên người lỉnh kỉnh máy móc dễ tới chục ký đi lại ầm ầm, thoắt ẩn thoắt hiện.

Tôi tò mò hỏi: “Vậy em làm gì bây giờ”. “Ra sân Thống Nhất coi đá banh”, anh nói. Đúng lúc đó, chị Trưởng ban Kinh tế đi ngang qua thấy vậy liền nói: “Trời! Con gái nhà người ta chưa chồng, mấy ông lôi nó đội nắng đội mưa coi cái tụi đàn ông quần đùi áo số, sống chết tranh nhau trái banh. Riết rồi hỏng người. Thôi về chỗ chị mà làm”. Thế là cái duyên viết kinh tế “bén” rễ từ đó.

Nghề thì có, song cái nghiệp gắn với mảng kinh tế lại là một câu chuyện dài. Ở những cơ quan cũ, chuyện viết tin, bài về lĩnh vực kinh tế không khó, bởi ở những tờ báo đó yêu cầu về lĩnh vực này cũng không phải là cao.

Thế nhưng, với Thời báo Ngân hàng, ngay từ những mẩu tin ngắn chứ đừng nói gì đến bài phản ánh, đặc biệt là những bài phân tích, bình luận, luôn đòi hỏi người viết phải biết, thậm chí phải am hiểu khá tường tận về những vấn đề mình nêu.

Tuy nhiên, làm tại một tờ báo ngành cũng cho tôi nhiều thuận lợi trong việc thu thập tài liệu để trau dồi kiến thức. Bởi vì hàng ngày, thông qua các chương trình, chính sách, thông tư, thậm chí đi xuống TCTD, được gặp trực tiếp lãnh đạo tại các địa phương, tôi có điều kiện nắm bắt tình hình và chi tiết hoạt động của Ngành.

Nên khi được đăng tải lên báo, tin bài ấy rất trúng với suy nghĩ, tâm tư của người làm chính sách, của người làm ngành Ngân hàng, họ coi tôi là: “Người hiểu Ngành”. Trong suốt thời gian qua, tôi luôn thấy tự hào, vì tin, bài, ảnh của mình được tòa soạn ưu ái sử dụng, nhất là tin bài nóng hổi ở mọi thời điểm.

Niềm riêng

Khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng với quốc tế và sự đòi hỏi của độc giả ngày càng cao, khiến người viết như chạy đua với kiến thức. Không được đào tạo cơ bản về kinh tế, nên áp lực này với tôi càng cao hơn. Và tôi tự mày mò, học hỏi từ đồng nghiệp và đặc biệt là các chuyên gia kinh tế.

Có người nói, viết mảng nội chính là áp lực nhất trong các trang báo. Tôi không phủ nhận điều đó, nhưng viết kinh tế cũng áp lực không kém. Nhiều khi chỉ là những con số, nhưng khi có sự nhầm lẫn sẽ tác động tới đời sống của cả một doanh nghiệp, thậm chí lớn hơn nữa đôi khi còn là chủ trương, chính sách.

Từ đó, tôi lại thấy, làm báo Ngành cũng có niềm vui và cả nỗi buồn riêng, có người gọi là tai nạn nghề nghiệp. Vui khibài mình viết ra phục vụ được rất lớn nhu cầu của người đọc. Tôi nhớ, một lần viết bài về khó khăn trong hoạt động kinh doanh của một số ngân hàng.

Sau khi bài báo đăng, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã điểm báo và sau đó nhiều tờ báo khác đã làm lại chủ đề mà tôi từng đề cập. Một lãnh đạo ngân hàng điện thoại khen rằng: “Em viết bài đó được đấy”. Niềm vui đơn giản chỉ có thế, nhưng đó là điều khó có thể quên.

Đó là một vài chuyện đem lại niềm vui cho mọi người. Còn nỗi buồn của người viết báo cũng không ít, tai nạn nghề nghiệp cũng không phải quá hiếm gặp. Có những bài báo, chỉ đôi chút nhầm lẫn trong đánh máy dẫn đến sai sót trong số liệu đã dẫn đến những phản ứng khá dữ dội từ phía các đối tượng được nêu trong bài.

Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của người viết, mà lớn hơn đó là uy tín của tờ báo. Đấy mới chính là yếu tố khiến tôi day dứt và tự nhủ với mình phải cẩn trọng hơn nữa trong từng bài viết, đặc biệt là với những bài mang tính chất phê phán. Bởi đây là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo chân chính.

Link nội dung: http://lichamtot.com/tay-ngang-co-goi-la-nghiep-du-a16847.html