Chữ tín còn quý hơn vàng

Không phải ai cũng thích “Tam quốc diễn nghĩa” nhưng nhiều người từng nghe chuyện kết nghĩa vườn đào, “tam cố thảo lư” (ba lần Lưu Bị đến lều cỏ của Gia Cát Lượng để mời ông về làm quân sư), trận chiến Xích Bích, kế “thuyền cỏ mượn tên”… Trong đó, phải kể đến việc Trương Phi mắng Lữ Bố. Tại sao một vị tướng mang sức mạnh siêu phàm, được coi là chiến thần thời Tam quốc như Lữ Bố lại bị Trương Phi gọi là “gia nô ba họ”? Vì trong “Tam quốc diễn nghĩa”, vị mãnh tướng này đã phản Đinh Nguyên để theo Đổng Trác, sau đó lại giết Đổng Trác để tranh giành mỹ nữ Điêu Thuyền. Với cái “phốt” hai lần phản chủ, Lữ Bố không được Viên Thiệu thu nhận, cuối cùng bị Tào Tháo bắt và xử tử dù biết Lữ Bố có tài.

Có cô gái kia từ ngoại hình đến công việc đều sáng giá, vậy mà chơi với ai cũng chỉ được một thời gian. Thì ra cô thích “tặng quà” bạn mới bằng chuyện riêng tư của người này người nọ, dù trước đó họ đã dặn phải kín miệng. Cứ tưởng người bị nhắc đến trong những “câu chuyện làm quà” sẽ không biết nhưng “tai vách mạch rừng”, chẳng mấy chốc các bạn của cô đều hóa thành… “bạn cũ”.

Một vị khách hào phóng, tốt bụng hay ghé mua thực phẩm từ một sạp trên đường đi làm, dần dà trở thành mối quen, chỉ việc nhắn tin rồi ghé qua nhận túi hàng và trả tiền. Lúc này người bán giở thói khôn lỏi, “nhỡ tay” lấy cho khách loại rau củ đã cũ, vừa để giải quyết hàng tồn, vừa không bị ép giá hay bắt bẻ. Thỉnh thoảng anh còn “đãng trí” trả lại tiền thiếu vài tờ vì biết khách tin tưởng mình, không hay đếm lại tiền. Mánh lới này chỉ đem tới chút lợi nhỏ cho anh lúc đầu, khách nhanh chóng nhận ra và chuyển sang mối khác.

Một ông chồng nọ bỗng điêu đứng vì một đối tác 3D (đẹp, đàng hoàng, đẳng cấp). Chinh phục mãi, nàng lạnh lùng tuyên bố chỉ cho động vào người khi đã tự do, thế nên anh chồng bỏ vợ bỏ con, ôm phần tài sản được chia đến với người đẹp. Đêm đầu tiên, anh ta bàng hoàng phát hiện một vết sẹo trên người cô, vết sẹo đặc trưng của một trong những cô gái bị anh ta “quất ngựa truy phong”. Hồi đó, khi chưa có công danh sự nghiệp, anh chàng đã khiến vài cô gái “bao nuôi” mình. Trong số đó, có cô công nhân quê mùa xấu xí, được cái chăm chỉ và tận tụy. Về sau tìm được mối ngon hơn, anh ta cắt đứt không thương tiếc. Sau nhiều tháng suy sụp, cô gái quyết tâm báo thù bằng cách gắng vươn lên, dành dụm đủ tiền thì dùng công nghệ chuyển từ “xấu tự nhiên” sang “đẹp nhân tạo”. Nhiều năm sau, cô công nhân đã trở nên xinh đẹp, có học vấn và khá giả. Biết gã bạc tình đang tầm gửi ở một gia đình tiếng tăm, cô liền triển khai kế hoạch của mình. Nếu anh chàng đã tu tỉnh, sống đứng đắn đàng hoàng, có lẽ cô sẽ nghĩ lại và rút lui. Tiếc thay đời không có chữ “nếu”, kẻ bội bạc đã mất cả chì lẫn chài vì sai lầm của mình.

*

Truyền thống Á Đông đề cao lòng trung tín và sức nặng của lời hứa. Cụ đồ Chiểu viết trong truyện Lục Vân Tiên: “Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời đức hạnh làm câu trau mình”. Trung Quốc có điển tích “Treo kiếm trên mộ” kể về một sứ giả muốn tặng nhà vua ở nước đồng minh một thanh kiếm quý. Sau khi đi sứ về, nhà vua đã qua đời, sứ giả đành tặng kiếm cho vua mới. Tân vương từ chối, bảo di chúc của tiên vương không nhắc đến vụ này, sứ giả treo thanh kiếm trên cái cây cạnh mộ vua rồi đi.

Ngày nay, các bạn trẻ có năng lực dễ dàng “nhảy việc” nếu chỗ làm đãi ngộ không đúng tiêu chuẩn của họ, môi trường làm việc chưa đủ tốt, bị sếp “đì”… hoặc muốn đặt mình vào thử thách mới. Nam nữ yêu nhau không nhất thiết phải cưới mối tình đầu mà có thể hẹn hò nhiều đối tượng, miễn không phải cùng một lúc. Kinh nghiệm tình trường sẽ giúp họ tìm ra người phù hợp để cùng xây dựng gia đình. Thế nhưng, thời thế đổi thay người ta càng cần đạo đức làm rường cột vững chắc hơn. Một trong những rường cột ấy chính là lòng trung tín, thành thật. Cổ nhân luôn tin rằng người biết giữ chữ tín có thể đi khắp thế gian; kẻ không hiểu giá trị của lòng trung thành sẽ không nhận thức được cái giá cho sự phản bội.

Ths-Bs Lan Hải

Link nội dung: http://lichamtot.com/chu-tin-con-quy-hon-vang-bao-cong-giao-va-dan-toc-cgvdt-a15809.html