Rối Loạn Nhân Cách Chống Đối Xã Hội ASPD Là Gì

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD) là một rối loạn tâm thần với đặc trưng là “luôn coi thường và vi phạm quyền của người khác”. Những người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường xung động và hung hăng, họ lấy bất cứ thứ gì họ muốn và không để tâm đến những lo ngại của người khác.

Rối Loạn Nhân Cách Chống Đối Xã Hội Là Gì?

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial personality disorder - ASPD) là một rối loạn tâm thần với đặc trưng là “luôn coi thường và vi phạm quyền của người khác”, với các triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện từ độ tuổi 15. Tuy nhiên, chẩn đoán rối loạn nhân cách chống đối xã hội chỉ được đưa ra khi cá nhân đã đủ 18 tuổi.

Những người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường xung động và hung hăng, họ lấy bất cứ thứ gì họ muốn và không để tâm đến những lo ngại của người khác. Nói dối, lừa đảo là một phần của họ - họ sử dụng các câu chuyện bịa đặt một cách rất chân thật để đạt được mục tiêu của mình. Đặc biệt, họ không cảm thấy hối hận hoặc lo ngại về những hậu quả mà họ đã gây ra.

Nghiên cứu cho thấy phần lớn người trưởng thành mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội có những rối loạn trong hành vi ứng xử từ khi còn bé, tỷ lệ này đặc biệt cao hơn nếu rối loạn hành vi ứng xử đi kèm với rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Các kiểu hành vi vi phạm chuẩn mực ở một người trưởng thành có rối loạn nhân cách chống đối xã hội đã từng được thể hiện bằng những hành vi vi phạm ở mức độ nhẹ hơn trong quá khứ, chẳng hạn như trốn học, bỏ nhà, đập phá đồ đạc hay bắt nạt người khác.

>>> Tham Khảo: Rối Loạn Nhân Cách Chống Đối Xã Hội Ở Người Cao Tuổi

Dấu Hiệu Và Triệu Chứng

Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Ấn bản lần thứ Năm (DSM-5 TR), cá nhân có thể được chẩn đoán mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội nếu người đó có ít nhất ba trong số bảy biểu hiện sau:

1. Không tuân thủ các chuẩn mực xã hội hay pháp luật, thể hiện thông qua việc lặp đi lặp lại các hành vi phạm pháp dẫn đến bị bắt giữ.

2. Dối trá, thể hiện thông qua việc lặp đi lặp lại các hành vi nói dối, sử dụng tên giả, lừa gạt người khác vì tư lợi hoặc vì niềm vui cá nhân.

3. Xung động hoặc thất bại trong việc lập kế hoạch trước.

4. Khó chịu và hung hăng, thể hiện thông qua các hành vi đánh nhau hoặc đe dọa người khác nhiều lần.

5. Liều lĩnh coi thường sự an toàn của bản thân và người khác.

6. Vô trách nhiệm một cách bền vững, thể hiện thông qua việc liên tục không thể duy trì công việc bền vững hoặc tôn trọng các nghĩa vụ tài chính.

7. Không có sự hối hận, thể hiện thông qua việc thờ ơ hoặc hợp lý hóa việc làm tổn thương, ngược đãi hoặc lấy trộm của người khác.

Khi được chẩn đoán, cá nhân phải từ 18 tuổi trở lên và có các bằng chứng cho rối loạn hành vi ứng xử khởi phát trước năm 15 tuổi. Một điểm cần chú ý là các hành vi chống đối xã hội không diễn ra khi cá nhân mắc rối loạn tâm thần phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực.

LƯU Ý: Các triệu chứng được nêu chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn nghi ngờ bản thân mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội, hãy tìm gặp nhà tâm lý tại các cơ sở đánh giá & điều trị tâm lý/tâm thần uy tín để có kết luận chính xác.

Rối Loạn Nhân Cách Chống Đối Xã Hội Có Phổ Biến Không?

Tỷ lệ mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội trong dân số chung ước tính khoảng 2% - 3%, và tỷ lệ này đặc biệt cao ở những đối tượng là tù nhân ở cả hai giới. Nhìn chung, nam giới có nguy cơ mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội cao gấp 3 - 5 lần so với nữ giới, điều này có thể liên quan đến tình trạng sử dụng rượu. Tỷ lệ mắc rối loạn này ở những người có rối loạn sử dụng rượu là khá cao, dao động từ 16% - 49% . Bên cạnh đó, tình trạng vô gia cư cũng liên quan đến sự hiện diện của rối loạn nhân cách chống đối xã hội, có thể do không có khả năng trả tiền thuê nhà, giữ việc làm và rối loạn sử dụng chất gây nghiện.

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường có liên quan đến các rối loạn tâm thần khác như rối loạn sử dụng chất gây nghiện, rối loạn tâm trạng và lo âu, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn học tập, rối loạn cờ bạc và các rối loạn nhân cách khác như rối loạn nhân cách ranh giới (BPD).

Nguyên Nhân Dẫn Đến Rối Loạn Nhân Cách Chống Đối Xã Hội

Yếu Tố Di Truyền

Nghiên cứu cho thấy yếu tố di truyền là một trong những nhân tố góp phần dẫn tới các rối loạn nhân cách nói chung, bao gồm cả rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Ước tính, 20% người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội có người thân cấp một gặp rối loạn này. Nghiên cứu trên các cặp song sinh cũng cho thấy tỷ lệ di truyền rối loạn nhân cách chống đối xã hội là khác cao với hệ số di truyền chung là 51%.

Yếu Tố Sinh Học

Các tình trạng bệnh lý, đặc biệt là những tình trạng gây tổn thương tế bào thần kinh (chẳng hạn như chấn thương đầu, bệnh mạch máu não, u não, động kinh, rối loạn nội tiết, ngộ độc kim loại nặng…), thường liên quan đến các rối loạn về nhân cách.

Bên cạnh đó, tổn thương não ở trẻ khi còn trong bụng mẹ do người mẹ tiếp xúc với khói thuốc lá, sử dụng ma túy của mẹ, hoặc đói bụng cũng được coi là một yếu tố góp phần gây ra hành vi chống đối xã hội. Các hóa chất được tạo ra từ thuốc lá và mức oxy thấp trong tử cung có thể góp phần gây tổn thương tế bào thần kinh ở thai nhi đang phát triển.

Yếu Tố Nhân Cách

Nhân cách là tổng hợp phức tạp của các yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội và phát triển; do đó, mỗi nhân cách là duy nhất, ngay cả ở những người bị ảnh hưởng bởi các rối loạn nhân cách. Trong đó, tính khí của một người nói chung đề cập đến những khác biệt nhất quán về mặt sinh học trong hành vi của cá nhân và tương đối độc lập với việc học tập.

Một số đặc điểm tính khí trong quá trình phát triển nhân cách của những người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội bao gồm:

  • Tránh gây hại: Là việc ức chế hoặc kìm nén các hành vi có thể dẫn đến hình phạt hoặc không được khen thưởng. Những người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội có khả năng tránh gây hại thấp - tức họ không kìm nén hành vi của bản thân, bất chấp mọi hậu quả.

  • Tìm kiếm sự mới lạ: Là mong muốn bắt đầu các hoạt động mới lạ có khả năng tạo ra tín hiệu khen thưởng. Những người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội có tỷ lệ hành vi tìm kiếm sự mới lạ cao.

  • Sự phụ thuộc vào phần thưởng: Là mức độ mong muốn thực hiện các hành vi để nhận được phần thưởng xã hội. Những người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội có mức độ phụ thuộc vào phần thưởng thấp.

  • Sự kiên trì: Là khả năng duy trì nỗ lực và tiếp tục hành vi bất chấp những trở ngại, thất vọng, mệt mỏi. Những người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội có tính kiên trì thấp và dễ từ bỏ mục tiêu của mình khi gặp phải thách thức.

Yếu Tố Gia Đình - Xã Hội

Các yếu tố gia đình - xã hội cũng góp phần vào sự phát triển các rối loạn nhân cách nói chung. Quá trình nuôi dạy con cái của cha mẹ là một trong những yếu tố có thể dẫn tới rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Các đặc điểm nhân cách chống đối xã hội của người trưởng thành có liên quan mật thiết đến những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu, chẳng hạn như bị cha mẹ bỏ bê hoặc ngược đãi. Ước tính, có tới 14 - 21% trẻ bị cha mẹ lạm dụng khi trưởng thành sẽ chịu ảnh hưởng của rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

>>> Tham Khảo: Những Điều Cần Biết Về Lạm Dụng Tâm Lý

Mối quan hệ bạn bè ở trẻ em và thanh thiếu niên cũng ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách. Những thanh thiếu niên có các đặc điểm của rối loạn hành vi có xu hướng chơi với bạn bè có phẩm chất tương tự, với xung đột giữa trong mối quan hệ bạn bè được xác định là cơ chế chính dẫn đến hành vi chống đối xã hội trong tương lai.

Ngoài ra, việc tiếp xúc với bạo lực thông qua truyền hình, âm nhạc và trò chơi điện tử cũng đang là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu. Thống kê cho thấy những người có khả năng phát triển rối loạn nhân cách chống đối xã hội đã từng tiếp xúc với bạo lực thông qua các phương tiện truyền thông.

Điều Trị Rối Loạn Nhân Cách Chống Đối Xã Hội

Sử Dụng Thuốc

Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị một số triệu chứng của rối loạn nhân cách chống đối xã hội bao gồm thuốc chống lo âu, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần và thuốc ổn định tâm trạng.

LƯU Ý: Cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc và chỉ được dùng thuốc khi có sự tư vấn và kê đơn của bác sĩ lâm sàng.

Trị Liệu Tâm Lý

Liệu pháp Hành vi - Nhận thức (CBT) có thể hữu ích trong việc giúp người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội hiểu rõ hơn về hành vi của mình và thay đổi các kiểu suy nghĩ không phù hợp. Tuy nhiên, hiệu quả thường chỉ xuất hiện sau một quá trình điều trị lâu dài.

Ngoài ra, liệu pháp Nhóm và Gia đình cũng như phương pháp trị liệu dựa trên sự tâm thần hóa - với mục tiêu thay đổi khả năng nhận biết của người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội về trạng thái tinh thần của bản thân và những người xung quanh - cũng đã được chứng minh là có hiệu quả đối với rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

>>> Tham Khảo: Liệu Pháp Gia Đình Là Gì?

Nếu bạn cảm thấy mình đang có những triệu chứng của rối loạn nhân cách chống đối xã hội, hãy tới các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời, hoặc liên hệ Viện Tâm lý Việt - Pháp qua Hotline: 0977.729.396 để được tư vấn cụ thể. Can thiệp sớm là chìa khóa để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Tham khảo:

[1] Tâm bệnh học. Đặng Hoàng Minh (chủ biên)

[2] Diagnostic and statistical manual of mental disorders _ DSM-5-TR.

[3] What Is Antisocial Personality Disorder (ASPD)?. https://www.verywellmind.com/antisocial-personality-disorder-2795566

[4] Antisocial Personality Disorder. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK546673/

-

Viện Tâm lý Việt - Pháp

Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Toà Landmark Plus, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)

Email: [email protected]

Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn

Link nội dung: http://lichamtot.com/roi-loan-nhan-cach-chong-doi-xa-hoi-aspd-la-gi-a15463.html