Từ chiêm và một vài thành ngữ nông nghiệp

Một bến đò vào chùa Hương Tích (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) và hình ảnh cánh đồng vụ chiêm phía xa. Ảnh: Pierre Gourou.

Từ “chiêm” xuất hiện với tần suất cao trong các từ và thành ngữ nông nghiệp Việt Nam. Ví dụ như “vụ chiêm”, “giống chiêm hương” hay thành ngữ như “chiêm nam, mùa bắc”, “chiêm chấp chới, mùa đợi nhau”, “chiêm khê, mùa thối”.

Đã có những nghiên cứu, phỏng đoán khác nhau về từ “chiêm” nhưng những ghi chép tin cậy nhất về nguồn gốc từ này và mô tả chi tết các giống lúa chiêm là từ các cuốn sách của nhà sử học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) như "Vân đài loại ngữ", "Phủ biên tạp lục".

Trong sách "Vân đài loại ngữ", Lê Quý Đôn chép rằng “Người Nam giao tiếp xúc với người Chiêm, nên trồng được nhiều thứ lúa đạo chín về mùa hạ, gọi là lúa chiêm”. Tác giả cũng liệt kê một số loài lúa như “chiêm di”, “chiêm dự”, “chiêm vàng”, “chiêm bầu” và đặc tính của chúng.

Xa hơn Lê Quý Đôn, đã từng tồn tại một nhà nước có tên là Chiêm Thành hay còn gọi Chăm Pa hoặc Champa, biên giới nước này giai đoạn đầu giáp với trấn Nghệ An. Tên gọi Champa bắt nguồn từ tiếng Phạn là campaka, là tên của loài hoa mộc lan (Magnolia champaca). Người Kinh hay người dân tộc ở Tây Nguyên gọi người dân Champa là người Chàm, Chăm hoặc Chiêm.

Ngoài ra, Lê Quý Đôn là nhà sử học uy tín bởi vì ông không những là người chỉ tra cứu sách vở mà còn tận hiện trường để nghiên cứu. Ví dụ khi viết về nhân vật lịch sử thì ông tìm tới tận quê hương người đó, tra cả sắc phong, chế văn, gia phả như trường hợp của nhân vật Lưu Nhân Chú. Hoặc các sách như "Phủ biên tạp lục", nội dung ghi chép về xứ Đàng Trong được viết khi ông làm quan ở Thuận Hóa.

Sự tin cậy được củng cố thêm khi ta xem xét về địa hình và khí hậu của các dải đồng bằng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên (Bình Trị Thiên) hoàn toàn phù hợp với tính chất của các giống lúa chiêm mà Lê Quý Đôn đã chép.

Đặc điểm cơ bản của giống lúa chiêm đó là có sức chịu rét, chịu hạn tốt, sinh trưởng tốt trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất, đặc biệt là không sợ nước, kháng được nhiều sâu bệnh. Ví dụ như loài lúa chiêm di, mọc chậm, cây lúa mềm, không sợ nước ngập, ngâm nước một tháng vẫn kết được. Hoặc lúa chiêm vàng, cây cao, lá lớn, bông lớn, gió mưa không đổ; lúa chiêm bầu, rất dễ mọc, nên cấy thưa, cấy vào ruộng nhiều nước.

Các dải đồng bằng Bình Trị Thiên được hình thành trên cấu trúc uốn nếp của dãy Trường Sơn, khí hậu mang tính chất nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ cao, mưa nhiều, chịu ảnh hưởng mạnh của bão. Có những đồng bằng khá rộng như Lệ Thủy, nhưng trũng, kín, thủy triều vào sâu. Nói chung việc khai thác đất khá khó khăn do mùa khô thì hạn, mùa lũ thì ngập úng. Như vậy các giống lúa chiêm hoàn toàn thích hợp với địa hình, khí hậu của nước Chiêm xưa kia.

Ruộng truyền thống nước ta có hai loai, ruộng mùa thu (tức ruộng mùa hay mùa chính) và ruộng mùa hè (tức ruộng chiêm, trái vụ). Ở miền Bắc thì vụ mùa (từ khoảng cuối tháng 5 âm lịch, kết thúc vào tháng 11 âm lịch) được coi trọng hơn vụ chiêm (bắt đầu từ khoảng cuối tháng 10 âm lịch, kết thúc khoảng cuối tháng 5 âm lịch); còn ở Bình Trị Thiên thì ngược lại, theo Lê Quý Đôn thì lúa chiêm là mùa chính, lúa mùa thu là mùa trái.

Nên mới có câu thành ngữ là “chiêm nam, mùa bắc”, thành ngữ là hai vế đối chuẩn về luật bằng trắc cũng như ý tứ. Ý của nó là vụ chiêm ở phía Nam là vụ chính, cũng như vụ mùa (chính) ở miền Bắc Việt Nam.

Hoặc có thành ngữ là “chiêm khô, ré lụt” hay có câu khác tương tự là “chiêm cứng, ré mềm”, “chiêm khê, mùa thối”, về nghĩa đen mô tả tình trạng thời tiết khó khăn khi làm hai vụ lúa (ré là tên của một thứ lúa mùa, chín sớm). Ở miền Bắc, tháng 10, 11 âm lịch mưa ít, độ ẩm thấp, là lúc người ta bắt đầu vụ chiêm; còn mùa mưa kéo dài từ tháng 5 tới tháng 9 âm lịch, là thời gian vụ mùa.

Nhưng có sự trớ trêu về thời tiết ở đây, khi bắt đầu vụ mùa cần nước để canh tác thì lại hiếm nước, nên mới có câu là “mưa tháng sáu là máu đồng” nhưng đến khi gặt thì lại lụt lội. Tương tự vậy, vào vụ chiêm khi cần phơi ải đất cần ánh nắng thì trời âm u, ít nắng, mà đến khi gặt vào hè thì lại nắng to. Vậy câu thành ngữ cũng có ý nghĩa là cái gì khi thì cần không ra, khi không cần thì lại ra.

Hiện nay, người ta đã lại tạo ra những giống lúa mới, ngắn ngày hơn, hoặc hệ thống thủy lợi tốt, ví dụ như một số giống lúa có thời gian sinh trưởng khoảng ba tháng, có thể gặt trước khi mùa lụt nên các câu thành ngữ trên nó không còn lưu hành rộng rãi nữa.

Sự đóng góp của các giống lúa chiêm với Bắc bộ hay Bắc Trung bộ rất to lớn. Bởi vì lúa chiêm có thể trồng được các vùng đất trũng, sâu, vùng duyên hải, ví dụ như các vùng định cư mới do Nguyễn Công Trứ cho khai hoang như Tiền Hải, Kim Sơn.

Đặc biệt, có những dải đồng bằng trũng sâu, chỉ trồng được một vụ lúa chiêm như ở một số cánh đồng giáp biển ở Nam Định trước đây. Nhờ đó, người nông dân trồng được hai vụ lúa, ngoài vụ mùa, tạo ra sự đông đúc về mặt nhân khẩu khắp Việt Nam, đặc biệt là ở Bắc bộ.

Từ những phân tích trên, chúng ta thấy trong quá khứ những người nông dân Việt Nam đã tìm tòi, học hỏi và áp dụng vào thực tiễn thành công đối với việc trồng các giống lúa chiêm từ nước Chiêm láng giềng. Những người này đã nhìn ra được vấn đề rằng, để tồn tại và có cuộc sống sung túc thì phải khai thác tối đa những mảnh đất vốn dĩ không rộng lắm để nuôi sống gia đình mình. Họ không phải là những người chấp nhận hoàn cảnh, thay vào đó bằng sự khéo tay và đầu óc linh hoạt, những người nông dân Việt đã không bị cầm tù trong những lũy tre làng.

Link nội dung: http://lichamtot.com/tu-chiem-va-mot-vai-thanh-ngu-nong-nghiep-a15320.html