Khúc khích trên lưng

Đỗ Hồng Ngọc

“Khúc khích” là từ gợi tả tiếng cười nhỏ và liên tiếp, biểu lộ sự thích thú riêng với nhau. Từ điển tiếng Việt của Ủy ban Khoa học xã hội và Viện ngôn ngữ học nói vậy. Cười nhỏ và liên tiếp. Tại sao nhỏ? Vì muốn không ai nghe. Tại sao liên tiếp? Vì không thể dừng được, không thể ngưng được. Tại sao cười? Vì thích thú. Thích thú cái gì? Chỉ có trời mới biết! Có điều chỉ thích thú “riêng với nhau” thôi. Của hai người thôi. Người ta không thể khúc khích một mình. Một mình chỉ có thể tủm tỉm hoặc ha hả. Cũng không khúc khích chỗ đông người, dễ bị tưởng là mới ở bệnh viện ra. Khúc khích phải có chút rụt rè, bẽn lẽn, “nhột nhột” trong đó mới được. Đó là tiếng cười của Triệu Mẫn lúc lọt xuống hầm với Trương Vô Kỵ, và Trương giáo chủ đã không bỏ lỡ cơ hội vừa quát tháo vừa cù nhẹ vào lòng bàn chân nhỏ nhắn xinh đẹp của nàng làm cho nàng cười…khúc khích mãi cho đến thành… giáo chủ phu nhân! Khúc khích hẳn không xuất phát từ một ý định cười. Không chuẩn bị cười. Không toan tính cười. Nó phải đến tự nhiên từ một cảm xúc bất ngờ nào đó. Nhưng ở đây không chỉ nói về khúc khích mà là “khúc khích trên lưng” kia! Số là trong nhạc phẩm Quỳnh hương rất nổi tiếng, Trịnh Công Sơn viết: “Ta mang cho em một đóa quỳnh, quỳnh thơm hay môi em thơm. Em mang cho ta một chút tình, miệng cười khúc khích trên lưng” Ừ thì một chút tình (một chút thôi, bởi nhiều quá thì e rằng chuyển tông sang… cằn nhằn!) Nhưng tại sao “khúc khích trên lưng”? Hẳn là họ đã đi xe đạp? Chàng đạp xe hì hục chở nàng? Nàng ngồi sau, úp mặt vào lưng chàng rồi cứ thế mà… khúc khích suốt con đường Duy Tân cây dài bóng mát? Cũng có thể họ đi xe gắn máy? Nhưng xe gắn máy thì ồn quá, nhanh quá, khó mà khúc khích lâu. Hơn nữa bây giờ người ta ra đường đều bịt miệng, bịt mũi, nên càng khó khúc khích.

Có một ngành chuyên nghiên cứu về sinh lý học của cái cười - có thể gọi một cách thời thượng là “ Cười học” - Gelotology - ráng đi tìm cách giải thích tại sao người ta cười, cái cười chịu tác động của các bộ phận nào trong cơ thể và cơ chế hoạt động của nó ra sao với hy vọng dùng cái cười như là một “liệu pháp” để chữa bệnh - nhất là các bệnh thời đại - vì ai cũng biết “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Người ta biết có đến 15 cơ mặt đã tham gia vào “cuộc cười” (trận cười, chuyến cười?) và còn nhiều cơ khác của toàn thân trong đó có các cơ hô hấp, cơ lưỡi gà, và cả cơ… bàng quang! Người ta biết bộ não tham gia toàn bộ vào cuộc cười chớ không riêng một khu vực nào chịu trách nhiệm. Cười cũng tốn khá nhiều năng lượng. Có người cười xong thì ngất luôn (phải chăng do đó ta có từ “cười ngất”?) Người ta cũng nghiên cứu cười trong phòng thí nghiệm. Khổ thay, cứ bị quan sát thì cười… biến mất! Hình như cười phải được tạo nên bởi một sự bất ngờ, ngạc nhiên, thích thú. Khi bị quan sát thì cười sẽ thành giả tạo. Người ta còn nghĩ cười hẳn là một phản xạ thần kinh, chắc là phải có một cái “công tắc” cười nào đó, thọc léc trúng là… cười! Đại học California ở San Diego chế ra một cái máy thọc léc (tickle machine) nhưng thất bại… không làm cho người ta cười được! Các nhà xã hội học cũng tham gia nghiên cứu và họ thấy cười là một hiện tượng văn hóa xã hội. Nó dễ lây lan trong một số điều kiện. Cười còn liên quan đến… quyền lực. Khi nhân viên đang cười vui với nhau mà sếp xuất hiện thì họ lập tức… ngưng cười! Sếp càng to càng dễ cười, dễ hài hước. Nhân viên… có nhiệm vụ cười theo. Có một chuyện kể rằng sếp thường hay kể chuyện cười cho nhân viên nghe, kể đi kể lại hoài một chuyện mà nhân viên vẫn cười. Một hôm, sau khi kể xong, thấy một cô không cười, ngạc nhiên hỏi, cô đáp: “Cuối tháng này em nghỉ làm rồi ạ!”.

Cười cũng tùy nền văn hóa, tùy trình độ văn hóa mỗi người nữa. Ở ta còn phân biệt các kiểu cười rất phong phú như cười nịnh, cười gằn, cười ruồi, cười dê, cười bò, cười mím chi cọp v.v…

Tóm lại, cười hẳn còn nhiều bí ẩn, còn phải nghiên cứu dài dài. Thế nhưng, dù thế nào đi nữa, cười “khúc khích trên lưng” thì còn lâu mới tìm ra tính chất sinh lý học và xã hội học của nó.
Bởi nó ở một phạm trù khác.

Link nội dung: http://lichamtot.com/khuc-khich-tren-lung-bac-si-do-hong-ngoc-a15245.html