Tiếng Việt chúng ta quả thật rất phong phú, khi là từ đơn thì giống nhau nhưng trở thành từ ghép lại mang hàm ý khác hẳn. Đơn cử như cặp từ ghép “khôn ngoan” và “khôn lỏi”. Khôn ngoan thì chúng ta đã tìm hiểu rồi, hôm nay sẽ là bài viết quân sư TalentBold chia sẻ về khái niệm khôn lỏi, kèm theo cách thức làm việc với người khôn lỏi sao cho an toàn mà vẫn đạt hiệu quả công việc như mong đợi.
MỤC LỤC:
1- Khôn lỏi là gì?
2- Dấu hiệu nhận biết người khôn lỏi
3- Nguy hại xảy đến với nhân viên khôn lỏi
4- Nên làm gì khi làm việc với người khôn lỏi?
1- Khôn lỏi là gì?
Khôn lỏi là thuật ngữ phản ánh tính cách và quan điểm hoàn thành mục tiêu của một cá nhân, theo đó, người khôn lỏi sẽ chọn lựa chọn những mánh khóe, thủ đoạn, tráo trở, lợi dụng… hơn là chinh phục bằng thực lực và sự minh bạch, liêm khiết.
Cũng vì quan điểm hành động này mà cụm từ “khôn lỏi” luôn gắn liền với sự tiêu cực trong tính cách. Dù đó có là một người thông minh, lanh lẹ, thậm chí là giỏi chuyên môn đi chăng nữa thì tính cách khôn lỏi cũng khiến hình ảnh của họ bị đánh giá thấp, các mối quan hệ luôn có sự dè chừng vì họ luôn thuộc tuýp người bất chấp thủ đoạn, sẵn sàng dìm người khác xuống miễn sao đạt được lợi ích cho bản thân là được.
2- Dấu hiệu nhận biết người khôn lỏi
Để không trở thành nạn nhân của người khôn lỏi, chúng ta cần học cách nhận biết nhóm người này ngay từ những lần tiếp xúc đầu tiên. Dưới đây là những dấu hiệu thường thấy nhất ở người khôn lỏi:
2.1. Tự cao tự đại, tỏ vẻ thông minh
Để thu hút sự chú ý của người khác, người khôn lỏi sẽ chọn cách khoe khoang, có phần ảo tưởng về sự thông minh, giỏi giang của mình. Mặc dù năng lực kiến thức của họ cũng có điểm vượt trội nhưng thay vì khiêm tốn, chia sẻ nhã nhặn, họ lại chọn cách phóng đại sự hiểu biết của bản thân về mọi khía cạnh cuộc sống, thao thao nói chuyện lấn át người xung quanh để tỏ ra mình hay, mình giỏi. Thêm vào đó, người khôn lỏi hay chê bai, bác bỏ ý kiến, thiếu tôn trọng đối phương ngay cả trong những cuộc trò chuyện chỉ mang tính xã giao, không liên quan lợi ích kinh tế.
2.2. Ích kỷ, không ngại hại người vì lợi ích cá nhân
“Giậu đổ bìm leo” hay “Thừa nước đục thả câu” là những câu nói rất chuẩn dành cho người khôn lỏi. Người khác gặp khó khăn, sa cơ thất thế, họ không giúp đỡ hay nói đỡ đã đành, ngược lại, còn lợi dụng tình thế đó để “dìm hàng” người ta, hòng tranh thủ tìm kiếm lợi ích cho bản thân.
Họ không có chút trắc ẩn nào với hoàn cảnh của người khác, với họ, khó khăn của người chính là cơ hội để bản thân đạt mục tiêu nhanh hơn, tốn ít công sức hơn. Tệ hại hơn, nhiều người khôn lỏi còn tạo ra tình huống để đưa người khác vào sự sai sót, lỗi lầm, hãm hại người ta mất đi vị thế hay thương hiệu cá nhân.
2.3. Tham lam, trục lợi một cách tinh ranh
Cái gì tốt, người khôn lỏi đều muốn dành hết phần về mình, nhưng họ “khôn” hơn những người tham lam đơn thuần ở chỗ họ không thể hiện lòng tham một cách lộ liễu, mà sẽ dùng những thủ đoạn tinh ranh để lôi kéo người khác thực hiện sự tham lam dùm họ. Vì vậy, bề ngoài họ đóng vai một người chân thành, muốn mang lại lợi ích cho người mà họ lôi kéo, nhưng thực chất là đang lợi dụng người đó để tìm lợi ích cho mình. Nếu suôn sẻ thì cả hai cùng có lợi, nhưng nếu có vấn đề thì họ sẽ quay lưng xem như “chúng ta không thuộc về nhau”, để người kia chịu trận.
2.4. Áp đặt quan điểm lên người khác
Những việc làm hấp dẫn
Người khôn lỏi luôn cho mình là nhất, họ không lắng nghe ý kiến, không quan tâm đến cảm xúc, không tôn trọng người khác mà chỉ muốn áp đặt quan điểm, mong muốn của mình lên mọi người xung quanh.
2.5. Hay nhờ vả, cũng hay quên ơn
Những nhân sự khôn lỏi luôn cho rằng mình tài năng, uyên bác nhưng lại thường xuyên nhờ đồng nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ công việc. Họ có khả năng nhạy bén biết ai giỏi khía cạnh nào để nhờ vả đúng người. Có điều, họ có thể vui vẻ với bạn khi họ cần bạn, nhưng sau khi xong việc, tích tắc lạnh lùng ngay, tốc độ còn nhanh hơn “lật bánh tráng”. Sau này, cần bạn một lần nữa, họ lại dùng thái độ giả tạo ấy tiếp cận lại để tìm kiếm lợi ích, chu choa, dường như họ không có sợi dây “liêm sỉ”.
3- Nguy hại xảy đến với nhân viên khôn lỏi
Trong môi trường cạnh tranh tìm kiếm cơ hội phát triền sự nghiệp, ý định khôn lỏi chắc hẳn đã nhen nhóm trong lòng nhiều nhân sự. Là một chuyên gia tuyển dụng và quản lý nhân sự, quân sư khuyên bạn không nên gia nhập vào nhóm người này vì lợi ích thì ngắn hạn còn nguy hại thì sẽ dài hạn đấy:
3.1. Hạn chế cơ hội thăng tiến
Muốn thăng tiến thì ngoài thành tích cá nhân còn rất cần sự ủng hộ từ đồng nghiệp, cộng sự. Một người khôn lỏi, đồng nghiệp tránh xa còn không kịp thì lấy ai nhiệt tình ủng hộ, bỏ phiếu bầu chọn lên làm quản lý.
3.2. Lệ thuộc năng lực chuyên môn
Thói quen hay nhờ vả người khác để lấp đầy những khoảng trống điểm yếu cá nhân trong giao tiếp hoặc trong chuyên môn dễ khiến người khôn lỏi ỷ lại, lệ thuộc vào người khác mà không nỗ lực hoàn thiện thực lực cá nhân.
3.3. Thương hiệu cá nhân giảm sút
Quan tâm đến người khác chỉ để trục lợi rồi quay lưng ngay thì đồng nghiệp chỉ “mắc bẫy” một hoặc hai lần thôi. Về sau đã hiểu rõ năng lực trở mặt tốc độ cao của người khôn lỏi rồi, ai cũng sẽ có lý do để từ chối khéo. Không chỉ vậy, nhiều thế hệ nhân sự sau, thậm chí khi người khôn lỏi chuyển công tác sang doanh nghiệp khác cùng ngành, thông tin về tính cách khôn lỏi vẫn có thể được “truyền tụng” lại.
4- Nên làm gì khi làm việc với người khôn lỏi?
Có một đồng nghiệp khôn lỏi quả thật đáng sợ, họ không chỉ trịch thượng, lợi dụng, trục lợi, mà còn có thể hãm hại bạn để tạo lợi thế cho họ. Chắc chắn không ai muốn hợp tác cùng người như vậy, nhưng môi trường công sở đâu phải lúc nào cũng được lựa chọn người hợp tính cách để hợp tác.
Nếu không thể loại bỏ thì ta nên tìm cách hạn chế tối đa rủi ro thông qua 10 bí kíp mà quân sư tổng hợp sau đây:
4.1. Giới hạn khía cạnh tiếp xúc
Chỉ nên trao đổi với người khôn lỏi khi phát sinh vấn đề hợp tác trong công việc. Tuyệt đối không kết thân, giao tiếp riêng trong phạm vi công sở, hay nghe họ tâm sự kể lể. Vì rất có thể họ đang dẫn dụ bạn làm điều gì đó cho họ, bất chấp rủi ro cho bạn nhưng lại đưa đẩy bằng những ngôn từ đầy tình thân, quan tâm và hướng đến quyền lợi của bạn. Cẩn thận.
4.2. Nâng cao ý thức cảnh giác
Những nhiệm vụ trong công việc, tốt nhất nên ghi âm hoặc lưu lại bằng chứng (email, skype, zalo…) hoặc có sự xác nhận của quản lý trước khi bạn tiếp nhận thực hiện. Trước những buổi họp phân công công việc hay bàn kế hoạch, chiến lược mà có sự tham gia của người khôn lỏi, bạn nên ngủ sớm, ăn uống đầy đủ để tham gia trong một trạng thái tinh thần minh mẫn, sáng suốt và nhạy bén.
4.3. Nói ít hơn mức cần thiết
Nghe nhiều, nói ít là ưu tiên khi giao tiếp, với người chính trực là vậy, với người khôn lỏi lại càng cần áp dụng hơn. Vì khi nói nhiều, ngoài việc dễ nói hớ, để lộ ra một vài điều không hay thì bản thân còn không thể tập trung để nhận biết ý đồ từ người khôn lỏi thông qua lời nói của họ. Do đó, học cách lắng nghe và phản hồi bằng ngôn ngữ hình thể sẽ tốt hơn là nghe ít mà nói nhiều.
4.4. Không cần phản bác ý kiến
Bạn hiểu rõ tính cách khôn lỏi của đồng nghiệp, bạn không hài lòng với cách áp đặt quan điểm của họ, bạn thấy khó chịu khi họ cứ khoe khoang rồi chê bai bạn… Những sự khó chịu này nên được đáp lại bằng tâm thế điềm tĩnh, đừng nóng giận hay bác bỏ ý kiến của họ, nhất là ở chốn đông người.
Bởi lẽ, người khôn lỏi khá hẹp hòi - “thà mất lòng người quân tử, chứ đừng mất lòng kẻ tiểu nhân” - nên tốt nhất bạn vẫn nghe, ậm ừ cho qua, rồi hành động theo cách riêng của mình. Đừng để sự phán xét của họ làm ảnh hưởng đến bạn, đừng khiến bản thân nghi ngờ năng lực của chính mình. Hãy nhớ rằng ai cũng bất mãn với người khôn lỏi, nên nhận xét của họ đến giá trị “tham khảo” cũng không có nói chi là giá trị “ghi nhận”.
4.5. Không a dua, đồng tình
Để lôi kéo người khác, người khôn lỏi sẽ đưa ra những lập luận để khơi dậy những thiệt thòi, những bất mãn kiềm nén trong lòng bạn. Như việc người bất mãn muốn tăng lương nhưng họ lại không muốn mở lời với Sếp, thế là họ gặp bạn, họ cảm thấy tức giận thay bạn khi mà lâu rồi chưa được tăng lương mà cứ phải làm ngoài giờ. Họ dồn ép để bạn bộc lộ sự phản kháng, tức giận để rồi tự bạn đi nói với Sếp, Sếp đồng ý thì họ hưởng ké, Sếp mà giận thì bạn lãnh đủ. Đừng trúng kế của họ, bạn chỉ nên phản hồi ở thế trung lập “công ty chắc có sự sắp xếp riêng đó anh / chị, mình chờ thêm chút xem sao”.
4.6. Tìm hiểu điểm yếu của người khôn lỏi
Người khôn lỏi lợi dụng người khác, thao túng người khác vì họ biết rằng khía cạnh đó không phải là thế mạnh của họ. Và để thỏa mãn sự tham lam cao ngất của mình, họ phải tìm đến người khác để trục lợi thông qua người khác. Chính vì vậy, hiểu được điểm yếu của người khôn lỏi chính là cách giúp chúng ta nhận biết nhanh ý đồ của họ khi tiếp cận mình để không trở thành công cụ khai thác lợi ích của người trục lợi.
Khôn lỏi là tính cách tiêu cực hiện diện ở những người chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, bất chấp thủ đoạn trục lợi cho bản thân một cách tinh ranh, láu cá. Thực tế, hầu như môi trường làm việc nào cũng có vài người khôn lỏi, do đó, quân sư TalentBold muốn thông qua bài viết, thức tỉnh mọi người đừng để mình trở thành thành phần khôn lỏi bị đồng nghiệp xa lánh, đồng thời cung cấp kinh nghiệm bảo vệ bản thân an toàn khi làm việc cùng đồng nghiệp khôn lỏi.
-
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: [email protected]
Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet