Trungtamthuoc.com - Dù bạn là người thường xuyên sử dụng mạng xã hội hay không thì có thể ít nhất một lần bạn đã gặp video có tiêu đề ASMR trên YouTube hoặc Facebook. Những video này đã trở nên phổ biến trong vài năm qua. Vậy nó có nghĩa là gì? Và tại sao mọi người ưa thích nó. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây
1 ASMR có nghĩa là gì?
Nổi lên từ một xu hướng internet bắt đầu vào năm 2008, ASMR đã thu hút được sự chú ý của nghiên cứu liên quan đến hiệu quả lâm sàng và các cơ chế tác động lên tâm lý cơ bản của nó. Vậy ASMR chính xác là gì? ASMR có phải tên một bệnh không?
ASMR là viết tắt của Autonomous Sensory Meridian Response - có thể hiểu là “Phản ứng kích thích cảm giác tự động” hay “Phản ứng cực khoái độc lập”. Một thuật ngữ được sử dụng để mô tả cảm giác mà bạn có thể nhận được từ một số kích thích nhất định bao gồm âm thanh, hình ảnh hoặc thậm chí là tiếp xúc gần gũi với người khác (dù là trực tiếp hay trực tuyến) [1].
Những người trải nghiệm ASMR video cho biết cảm giác giống như cảm giác rùng mình, sởn gai ốc, râm ran; cảm giác này thường bắt đầu từ phần đầu và di chuyển xuống sau gáy và đôi khi lan đến phần còn lại của cơ thể. Một số người khác mô tả đó là một cảm giác êm ái, thư giãn, bình tĩnh, buồn ngủ hoặc dễ chịu lan tỏa khắp cơ thể họ, bắt đầu từ da đầu và di chuyển xuống dưới.
Một nghiên cứu thống kê trên 475 người đã trải nghiệm ASMR cho thấy rằng 63% người tham gia có cảm giác ngứa râm ran, “rùng mình” bắt nguồn một bộ phận trên cơ thể và lan rộng, trong khi 27% cho biết nguồn gốc này rất khác nhau. Trong số những người cảm nhận được vị trí bắt đầu của cảm giác râm ran, dễ chịu thì 41% được cho là bắt nguồn từ phía sau đầu và 29% còn lại được báo cáo tại vai. Khi ở cường độ cao, cảm giác này có thể kéo dài xuống cột sống (50%), cánh tay (25%) và chân (21%),
2 Tác nhân nào tạo hiệu ứng ASMR?
Có nhiều tác nhân hoặc tình huống khác nhau dẫn đến hiệu ứng ASMR, có thể là những kích thích liên quan đến thị giác, xúc giác hoặc thính giác. Có thể liệt kê như:
2.1 Âm thanh ASMR
ASMR (Autonomous Sensory Meridian Response) là một trạng thái cảm xúc dịu nhẹ và thư giãn được kích thích bởi những âm thanh đặc biệt. Dưới đây là một số ví dụ về các âm thanh ASMR phổ biến và tạo hiệu ứng rõ ràng:
- Tiếng thì thầm hoặc nói nhỏ nhẹ: đây là âm thanh ASMR phổ biến và cũng gây hiệu ứng rõ ràng nhất. Tiếng thì thầm tạo cảm giác như có người đang nói chuyện gần tai bạn, mang lại sự thư giãn và thoải mái.
- Tiếng gõ (tapping) hoặc tiếng cào nhẹ (scratching): ví dụ âm thanh tạo ra từ hành động gõ nhẹ lên bàn, gõ lên thành ly nước hay cào nhẹ lên mic thu âm. Tiếng gõ và tiếng cào tạo ra những âm thanh nhịp nhàng, đều đặn, và có thể kích thích hệ thần kinh, mang lại cảm giác thư giãn cho người nghe.
- Tiếng nhai thức ăn (Mukbang ASMR): Mukbang ASMR là một thể loại video ASMR nổi tiếng, trong đó người làm sẽ ăn những món ăn trước camera. Tiếng nhai thức ăn tạo ra những âm thanh có thể kích thích giác quan nghe của người xem, mang lại cảm giác thoải mái và thư giãn.
- Tiếng lạo xạo: âm thanh tạo ra bằng cách từ từ lật một trang giấy hoặc gấp giấy,... Tiếng lạo xạo tạo ra âm thanh nhẹ nhàng có thể tạo cảm giác thư giãn và tĩnh lặng trong người nghe.
Những âm thanh ASMR này có thể khác nhau tùy thuộc vào sở thích của mỗi người. Tuy nhiên, chung quy lại, chúng đều nhằm tạo ra một trạng thái thư giãn và cảm xúc dịu nhẹ cho người trải nghiệm.
Ngoài những âm thanh phổ biến trên, một số âm thanh cũng tạo được ASMR như: tiếng mưa, tiếng lá khô, tiếng rót nước, ...
2.2 Hình ảnh ASMR
Thông thường, hình ảnh ASMR tập trung vào đôi tay sẽ tạo ra hiệu ứng thư giãn nhất. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể:
- Quá trình vẽ hoặc thiết kế một tác phẩm: từ những nét vẽ ban đầu thành một tác phẩm hoàn chỉnh bằng chì, sử dụng sơn màu hoặc tranh vẽ nước.
- Viết nét chữ hoàn hảo: bạn có thể xem người khác viết các nét chữ uốn lượn và độc đáo.
- Hoa văn ánh sáng: Bạn có thể xem một video ASMR về hoa văn ánh sáng, trong đó người khác tạo ra các hiệu ứng ánh sáng đẹp mắt bằng cách di chuyển nguồn sáng hoặc sử dụng các vật phẩm phản chiếu ánh sáng.
- Trang điểm cho khuôn mặt: Một video ASMR có thể tập trung vào việc trang điểm, trong đó bạn có thể thấy người khác thực hiện các bước trang điểm chi tiết trên khuôn mặt.
- Các động tác lặp lại nhiều lần: Một yếu tố phổ biến trong ASMR là các động tác lặp lại như vuốt nhẹ, xoa bóp hoặc lắc nhẹ một vật phẩm. Các động tác này cũng tạo ra âm thanh và cảm giác thư giãn khi được thực hiện một cách liên tục và nhịp nhàng.
- Gây sự chú ý cá nhân hoặc giao tiếp bằng mắt: Trong một số video ASMR, người làm video có thể tạo sự kết nối cá nhân bằng cách nhìn trực tiếp vào camera, tạo cảm giác như họ đang trò chuyện trực tiếp với bạn.
Những hình ảnh ASMR này tạo ra một trạng thái thư giãn và tạo cảm giác gần gũi mà người xem có thể tận hưởng.
Theo một nghiên cứu của Emma L. Barratt và Nick J. Davis về độ phổ biến của những yếu tố tạo hiệu ứng ASMR, bao gồm: thì thầm (75%), sự chú ý cá nhân (69%), âm thanh sắc nét (tiếng gõ móng tay, tiếng va của kim loại,...) (64%) và chuyển động chậm (53%). 34% người tham gia cũng báo cáo rằng họ có cảm giác dễ chịu khi xem các nhiệm vụ lặp đi lặp lại. Các hình thức ASMR khác như tiếng cười, tiếng ồn của máy hút bụi, tiếng ồn máy bay,... được báo cáo là có hiệu quả dưới 3% số người tham gia.
Thời điểm phổ biến nhất để tương tác với phương tiện truyền thông ASMR được cho là trước khi đi ngủ vào ban đêm, với 81% người tham gia cho biết đây là thời điểm họ ưa thích. 4% người tham gia ASMR khi thức dậy, 2% tham gia từ sáng đến giữa trưa. 30% người tham gia cũng cho biết họ xem phương tiện truyền thông ASMR trong thời gian rảnh rỗi, bất kể thời gian nào trong ngày.
3 ASMR có tác động như thế nào lên bộ não?
Đối với người trải nghiệm, họ quan tâm đến cảm giác mà ASMR đem lại. Tuy nhiên, đối với các nhà nghiên cứu, họ quan tâm đến cách mà bộ não phản ứng với những kích thích nhất định từ ASMR.
Trong một nghiên cứu nhỏ năm 2018 với 10 người tham gia thử nghiệm, họ được chụp MRI não trong khi xem video ASMR để xem điều gì đang thực sự diễn ra trong não bộ. Khi những người tham gia cảm nhận được cảm giác ngứa râm ran hay êm dịu ở cổ, gáy thì não của họ cho thấy hoạt động diễn ra trong toàn bộ não, được gọi là kích hoạt toàn bộ não. Ngoài ra còn có hoạt động đáng kể trong vùng não liên quan đến sự nhận thức, kiểm soát cảm xúc, sự đồng cảm và hành vi xã hội.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho rằng ASMR có thể khiến não giải phóng một số hormone nhất định. Họ giải thích rằng mọi người cho biết họ cảm thấy buồn ngủ, thoải mái và thư giãn khi sử dụng ASMR và các hormone như dopamine, oxytocin và endorphins có liên quan chặt chẽ với những cảm giác này.
4 Lợi ích được khoa học chứng minh của ASMR
Một nghiên cứu về hiệu ứng ASMR trên 475 người ngẫu nhiên cho thấy 98% người tham gia coi ASMR như một cơ hội để thư giãn, 82% đồng ý rằng họ sử dụng ASMR để giúp họ ngủ và 70% sử dụng ASMR để giải quyết căng thẳng [2].
Nghiên cứu về ASMR còn tương đối mới. Tuy nhiên, giữa các báo cáo và nghiên cứu đã tiến hành, ngày càng cho thấy rõ ràng một số lợi ích của ASMR:
Tạo niềm vui ngay lập tức: Đối với những người trải qua ASMR có phản ứng rùng mình và râm ran, đó có thể là một cảm giác rất dễ chịu và thư giãn xảy ra gần như ngay lập tức khi tiếp xúc với các kích thích.
Tâm trạng được cải thiện: Một nghiên cứu trên 475 người đã trải nghiệm ASMR cho thấy 80% người tham gia đã cải thiện tâm trạng sau khi tiếp xúc với ASMR. Lợi ích giảm nhanh hơn ở những người có mức độ trầm cảm cao hơn.
Giảm đau: Nghiên cứu trên cũng cho thấy rằng một phần những người phải đối mặt với cơn đau mãn tính đã thấy giảm đau kéo dài đến 3 giờ sau khi tiếp xúc.
Sự tập trung sâu hơn: “Trạng thái dòng chảy - flow state ” đề cập đến một trạng thái tinh thần mà bạn hoàn toàn tập trung, chìm đắm vào công việc đang làm, quên cả nhận thức về thời gian vì bạn quá tập trung vào điều gì đó. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những điểm tương đồng về kiểu tập trung mà trải nghiệm ASMR mang lại với Trạng thái dòng chảy - flow state
Ngủ ngon hơn: Nghiên cứu ban đầu đã chỉ ra rằng ASMR có thể giúp bạn và bộ não của bạn rơi vào trạng thái thích hợp để có giấc ngủ sâu, khỏe mạnh bằng cách thúc đẩy sự thư giãn và sóng não theta. Vì vậy, nhiều người dùng nó như một biện pháp hỗ trợ giấc ngủ [3].
Lợi ích khác: Những người thích ASMR thường cho biết họ giảm lo lắng, ít đau đầu hơn, huyết áp thấp hơn, giảm nhịp tim, v.v. Đối với những người có phản ứng tích cực với ASMR, nghiên cứu cho thấy nó có thể làm chậm nhịp tim tới 3,41 nhịp mỗi phút và mang lại cảm giác bình tĩnh.
Mặc dù những điều này phù hợp với những gì đã được chứng minh nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh những tuyên bố này.
5 Những lợi ích ASMR mang lại liệu có tác dụng điều trị bệnh?
Khi ASMR thu hút được nhiều sự chú ý hơn, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu xem xét khả năng sử dụng nó cho các tình trạng bệnh lý khác nhau.
5.1 ASMR có giúp giảm các triệu chứng ADHD không?
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) được đặc trưng bởi khó duy trì sự chú ý, hành vi bốc đồng và hiếu động thái quá. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bài tập thiền có thể giúp duy trì sự chú ý [4].
Đây cũng là thể loại phổ biến dành cho nội dung ASMR, với rất nhiều kênh dành riêng cho việc giúp đỡ những người mắc chứng ADHD. Nhưng hiện tại không có bất kỳ nghiên cứu cụ thể nào về nó.
Các nghiên cứu đã gợi ý rằng ASMR có thể nâng cao trạng thái dòng chảy - Flow state, do đó có khả năng nó có thể giúp ích cho một số người gặp khó khăn trong việc tập trung.
5.2 ASMR có giúp ích cho người tự kỷ không?
Câu trả lời là có thể. Các nhà nghiên cứu đã xem ASMR như một liệu pháp tiềm năng cho người tự kỷ. Họ phát hiện ra rằng nó có thể giúp giảm bớt lo lắng và căng thẳng vì chúng liên quan đến khả năng tự điều chỉnh cảm xúc.Việc sử dụng video ASMR trong điều trị mang lại hiệu quả đáng kể cải thiện tâm trạng và phát triển hành vi. Các nghiên cứu liên quan đến ASMR nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu sâu hơn về ASMR và bệnh tự kỷ, mở đường phát triển các biện pháp can thiệp đối với chứng Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) [5]
Tuy nhiên, một số người tự kỷ có thể phải đối mặt với tình trạng bị kích thích quá mức từ âm thanh (misophonia) hoặc thậm chí là sợ âm thanh (phonophobia). Trong những trường hợp này, ASMR có thể có hại hơn là hữu ích. Những video dựa vào kích thích thị giác để tạo hiệu ứng xoa dịu có thể là sự thay thế phù hợp cho những video dựa vào kích thích thính giác trong những trường hợp này.
5.3 ASMR có thể giúp cải thiện chứng khó ngủ hoặc mất ngủ không?
ASMR gắn liền với cảm giác thư giãn và bình tĩnh, vì vậy việc mong đợi rằng nó có thể giúp ích cho những người gặp vấn đề về giấc ngủ là điều tự nhiên.
Bắt đầu nghiên cứu trong lĩnh vực này cho thấy ASMR có thể tạo ra các tín hiệu não (sóng não) cần thiết cho giấc ngủ đồng thời giúp một người thư giãn và dễ dàng nghỉ ngơi.
Trong một nghiên cứu năm 2015, các nhà nghiên cứu đã khảo sát mọi người về mục đích họ sử dụng ASMR. Kết quả có tới 82% số người tham gia sử dụng ASMR để giúp họ chìm vào giấc ngủ và 81% số người được hỏi cho biết họ thích nghe hoặc xem ASMR vào buổi tối trước khi ngủ. Và mặc dù cần nghiên cứu thêm nhưng bằng chứng cũng cho thấy rằng nó thực sự có thể giúp cải thiện giấc ngủ.
6 ASMR có tác động tiêu cực không?
Không phải ai cũng thích hoặc có cảm giác thoải mái từ ASMR mang lại. Trên thực tế, một số người báo cáo cảm thấy căng thẳng và thậm chí buồn bã khi trải nghiệm những video ASMR. Và cũng có một số người không cảm thấy gì cả.
Và mặc dù không có hại nhưng một số người lại báo cáo “miễn dịch ASMR” nếu họ xem quá nhiều video. Điều này có nghĩa là họ đã quen với các kích thích và không còn tạo ra cảm giác râm ran, rùng mình hay êm ái khi xem nó nữa.
7 Các câu hỏi thường gặp khác về ASMR
Bạn có thể tìm thấy hàng triệu video ASMR trên internet. Dưới đây là câu trả lời cho một số câu hỏi thường gặp trước khi bạn bắt đầu.
7.1 ASMR đã trở thành hiện tượng như thế nào?
Như nhà nghiên cứu Poerio đã thảo luận, ASMR bắt đầu thu hút được một số sự quan tâm vào giữa những năm 2000.
Đến năm 2009, một người dùng YouTube có tên WhisperingLife bắt đầu tạo các video thì thầm vì bản thân cô thấy rằng việc nghe mọi người thì thầm rất thư giãn.
Phải đến năm 2010, YouTuber Jennifer Allen mới đặt ra thuật ngữ ASMR này và dần nó trở nên phổ biến như ngày nay. Cô ấy đề xuất thuật ngữ này để mô tả các trạng thái cảm giác mà cô ấy đã trải qua và nhận thấy trong các video ASMR programming trên YouTube. Từ đó, thuật ngữ ASMR nhanh chóng trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi.
Vào năm 2011, một diễn đàn subreddit có tên “ASMR: Sounds that feel good” đã được thành lập và tiếp tục thu hút nhiều người hâm mộ thể loại này hơn.
Nó đã tiếp tục trở nên phổ biến kể từ đó.
7.2 Tại sao một số người lại cảm thấy khó chịu với ASMR?
Không phải ai cũng có trải nghiệm thú vị với ASMR. Đối với một số người, âm thanh có thể gây khó chịu hoặc căng thẳng. Trong khi với những người khác, chúng có thể không có tác dụng gì cả.
Một số người có thể thấy khó chịu, sợ hãi với ASMR vì họ mắc chứng “misophonia”, có nghĩa là “ghét âm thanh” và họ có thể phản ứng tiêu cực bởi những âm thanh mà người khác thấy dễ chịu. Trong khi ASMR khiến một số người cảm thấy ấm áp và khó chịu, thì những người mắc hội chứng “misophonia” có thể có phản ứng kinh hãi, lo sợ, khó chịu khi trải nghiệm ASMR.
7.3 ASMR có hiệu quả với tất cả mọi người không?
Không, một số người không cảm thấy gì khi tiếp xúc với kích thích ASMR. Những người khác có thể trải qua cảm giác khó chịu hoặc cảm giác căng thẳng hoặc buồn bã.
7.4 Xem nhiều ASMR có thể nghiện không?
Xem nhiều ASMR không phải lúc nào cũng dẫn đến nghiện. Tuy nhiên, như với bất kỳ hoạt động trực tuyến nào khác, việc tiếp xúc với ASMR có thể dẫn đến một mức độ phụ thuộc tâm lý.
Một số người có thể trở nên quen thuộc và lạm dụng việc xem ASMR đến mức nó ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày hoặc quan hệ xã hội của họ. Trong trường hợp này, có thể xem xét vấn đề nghiện ASMR.
Điều đáng nói lại là hầu hết những người xem quá nhiều ASMR có nhiều khả năng trở nên mẫn cảm hơn và phát triển “miễn dịch ASMR” (Không còn bị kích thích khi trải nghiệm nó).
Nếu nó bắt đầu cản trở cuộc sống hàng ngày của bạn hoặc bạn cảm thấy phụ thuộc vào ASMR để hoạt động, bạn có thể liên hệ với bác sĩ để xem liệu có vấn đề nào khác đang diễn ra hay không.
8 Kết luận
ASMR là viết tắt của “Phản ứng kích thích cảm giác tự động” và mô tả cảm giác râm ran mà một số người gặp phải khi bị kích thích nhất định.
Nó đã trở nên cực kỳ phổ biến trong các trang trực tuyến trong nhiều năm qua. Mặc dù nghiên cứu vẫn còn mới và chưa nhiều, nhưng các nghiên cứu ban đầu đã cho thấy những lợi ích từ ASMR đối với khả năng tập trung, giấc ngủ và tâm trạng tổng thể.
Nếu bạn tò mò về việc những video này có thể ảnh hưởng đến bạn như thế nào? Bạn có thể cảm nhận được những cảm giác êm ái dễ chịu hay vui vẻ ngay lập tức không? Hãy thử trải nghiệm video ở trên.
Tài liệu tham khảo
- ^ Janet Brito (Đăng ngày 19 tháng 4 năm 2022), What Is ASMR? Your Guide to Tapping into Relaxation, Healthline. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2023
- ^ Emma L. Barratt và Nick J. Davis (Đăng 26 tháng 4 năm 2015), Autonomous Sensory Meridian Response (ASMR): a flow-like mental state, NCBI. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2023
- ^ Giulia Lara Poerio và công sự (Đăng ngày 20 tháng 6 năm 2018), More than a feeling: Autonomous sensory meridian response (ASMR) is characterized by reliable changes in affect and physiology, NCBI. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2023
- ^ Vania Modesto-Lowe và cộng sự (Đăng ngày 14 tháng 10 năm 2023), Does mindfulness meditation improve attention in attention deficit hyperactivity disorder?, NCBI. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2023
- ^ Ariana Galante và Nafees Alam (Đăng ngày 10 tháng 9 năm 2019), Autonomous Sensory Meridian Response as an Intervention to Autism Spectrum Disorder, Psychology and Behavioral Science International Journal. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2023