Cái vành gỗ cong cong để bị cáo đứng vào đấy trong quá trình xét xử vụ án hình sự đã thành một định kiến về kẻ có tội bị xét xử và trừng phạt. Một thời kỳ rất dài, bị cáo phải mặc quần áo phạm nhân màu xám hay kẻ sọc, báo chí thả sức miêu tả chân dung “kẻ phạm tội”, thậm chí truy cả thân nhân họ ra để khai thác… Nhiều người đi tìm lai lịch chiếc vành móng ngựa đã cho rằng nó xuất phát từ La Mã, nơi có hình phạt dùng ngựa phanh thây kẻ bị kết án tử hình, như vậy là vành móng ngựa mang hàm ý trừng phạt.
Cùng với nhận thức chung về quyền con người ngày càng cao, nguyên tắc “suy đoán vô tội” được chú trọng, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị điều tra, truy tố, xét xử được tôn trọng hơn.
Hiến pháp năm 2013 khẳng định tại Điều 31 rằng: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
So với quy định của Hiến pháp năm 1992, sửa đổi bổ sung năm 2001 thì nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội trong Hiến pháp năm 2013 được thừa nhận rõ ràng và cụ thể hơn. Hiến pháp cũ quy định “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” thì Hiến pháp năm 2013 quy định “Người bị buộc tội được coi là không có tội…”. Đã là không có tội thì không thể buộc họ mặc áo phạm nhân và đứng trong vành móng ngựa mang hàm ý trừng phạt được.
Phiên tòa ngày 3/1/2018 tại TAND tỉnh Đăk Nông, các bị cáo đứng trước bục khai báo . Ảnh TN
Vì vậy, thay đổi thiết kế phòng xét xử, bỏ vành móng ngựa để thay bằng bục khai báo; bố trí kiểm sát viên ngồi ngang với người bào chữa trong các phiên tòa hình sự để các bên bình đẳng, dễ tiếp cận công lý, là biểu hiện của sự thay đổi sâu sắc hơn về nguyên tắc suy đoán vô tội. Nhận thức về nguyên tắc này đã trải qua quá trình dài ở nước ta.
Năm 1953, có Thông tư số 2252/HCTP hướng dẫn: “Không nên có định kiến rằng, hễ người bị truy tố là nhất định có tội mà đối xử như người có tội; bị can trước khi tuyên án được coi như vô tội để toà án có thái độ hoàn toàn khách quan”. Đến năm 1974, Thông tư số 16/TATC ngày 27/9/1974 của TANDTC đã đưa ra hướng dẫn: “Việc xét hỏi tại phiên toà nhằm trực tiếp và công khai thẩm tra lại các chứng cứ của vụ án. Do đó, Hội đồng xét xử phải xét hỏi một cách đầy đủ, khách quan, cần tránh tư tưởng quá tin vào hồ sơ mà coi nhẹ tác dụng của việc xét hỏi tại phiên toà, hoặc cho rằng xét hỏi chỉ nhằm buộc tội bị can phải nhận những lời mà họ đã khai ở cơ quan điều tra”.
Nguyên tắc này sau đó được ghi nhận tại Hiến pháp năm 1992, sửa đổi bổ sung năm 2001 và lên mức cao hơn trong Hiến pháp năm 2013. Quy định của Hiến pháp cũng được cụ thể hóa trong Bộ luật tố tụng hình sự qua các giai đoạn. Vì nguyên tắc suy đoán vô tội nên tranh tụng tại phiên tòa đã được đề cao như một hoạt động trọng tâm để nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm đúng người, đúng tội và không làm oan người không phạm tội.
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị đã xác định “…việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo… để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định”. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đề ra yêu cầu: “Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, chất lượng tranh tụng tại tất cả phiên tòa xét xử, coi đây là hoạt động đột phá của các cơ quan tư pháp”.
Thực hiện chủ trương này và các quy định của pháp luật, hệ thống Tòa án cả nước với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhằm bảo đảm cho hoạt động tranh tụng tại phiên tòa thực chất hơn, hiệu quả hơn. Nhiều phiên tòa được dư luận ủng hộ cao vì tranh tụng đã làm sáng tỏ bản chất vụ án tại phiên tòa.
Trở lại với vành móng ngựa đang đi vào dĩ vãng, có người lại cho rằng ở châu Âu, người dân nhiều quốc gia treo chiếc vành móng ngựa trước nhà, mang hàm ý ngăn chặn cái xấu, cái ác xâm hại gia chủ. Ngoài ra, với hình cong, khoảng trống bên trong sẽ lưu giữ sự may mắn. Nếu như thế có thể hiểu ngược lại với liên tưởng đến hình phạt man rợ tứ mã phanh thây rằng, chiếc vành móng ngựa bảo vệ người đứng trong đó (không bị oan sai) trước những người có quyền uy buộc tội, kết án họ.
Dù có hiểu cách nào thì vành móng ngựa cũng là một hình cụ do phương Tây du nhập vào nước ta, tạo ra một định kiến về phạm tội và trừng phạt, trong khi truyền thống công đường của phương Đông, của Việt Nam không có vành móng ngựa. Và ngay cả những nước được coi là nơi sản sinh ra vành móng ngựa cũng đã loại bỏ khỏi phiên tòa, nên từ ngày 1 tháng 1 năm 2018, vành móng ngựa chấm dứt vai trò lịch sử tại các phiên tòa hình sự là một sự kiện đáng ghi nhớ, thể hiện bước tiến dài về quyền con người của tố tụng hình sự Việt Nam.
Bởi vì đó là một trong những biểu hiện cho lý do sâu xa hơn, một sự nhắc nhở về một nguyên tắc cần được tuyệt đối tôn trọng trong tố tụng hình sự, đó là “suy đoán vô tội”. Thứ nhất, không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Thứ hai, người bị tình nghi, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Thứ ba, mọi nghi ngờ trong quá trình chứng minh tội phạm của người bị tình nghi, bị can, bị cáo nếu không được loại trừ theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định thì phải được giải thích có lợi cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo.
Với hình thưc phòng xử án mới, người dân có quyền hy vọng và tin tưởng về chất lượng xét xử của Tòa án các cấp từng bước nâng cao.
Các phiên tòa hình sự sẽ không còn vành móng ngựa - Ảnh TL