GS. Alexander Lê Trung Cang
“Trai Tài, Gái Sắc” là câu nói thường xuyên trong dân gian Việt Nam, nhằm nói đại cương về tình cảnh và giá trị trong mối liên hệ, phối hợp, giữa một người nam và một phụ nữ trong xã hội.
Thông thường, mọi người chỉ có vài khái niệm chung rằng, người nam có ‘tài’, và người nữ có ‘sắc’ là một cuộc phối hợp xứng đôi, xứng đáng, may mắn, có ý nghĩa, làm đẹp lòng cả nhà, và hai họ.
Thủ môn Iker Casillas và nữ phóng viên xinh đẹp Sara Carbonero được gọi là một trong những đôi “trai tài-gái sắc”. Hình minh hoạ. Nguồn: corazonenradado.es.
Tuy nhiên, hàm ý, hoặc ngụ ý trong câu nầy rất sâu đậm và kêu gọi rất nhiều thử thách. Nó có thể ngụ ý, và nói lên rất nhiều, mà đa số những thường dân, không mấy ai đề tâm. Bên phái nam, người đàn ông chỉ cần sử dụng con mắt, nhãn quang bình thường, là đủ để dễ dàng nhận diện được cái ‘sắc’ (là giá trị hữu hình, giá trị hạn chế, có thể đo lường qua năm giác quan, và con số trong toán học) của những người phụ nữ.
Nhưng ngược lại, bên phái nữ, phụ nữ cần có một trình độ tư duy tương đối để hiểu, nhận định biết, được cái ‘tài’ (là giá trị vô hình, không thể đo lường qua năm giác quan, hoặc con số trong toán học) của đàn ông, nếu những người đàn ông này có “tài năng” đặc biệt.
Mặc dù đa số tất cả những từ ngữ mang giá trị vô hình như (tài năng, luân lý, đạo đức, đạo hạnh, công bằng, thật thà, chân chính, thánh thiện, nhân nghĩa, nhân cách, can đảm, dũng cảm, hùng dũng, minh triết, …), đều đòi hỏi một trình độ kiến thức, hoặc tư duy đặc biệt hơn, so với những “con mắt” tầm thường. Nhưng trong thành ngữ dân gian ngắn gọn này, nó không nêu lên vấn đề, ý nghĩa, và giá trị của sự ‘vô hình’ và ‘hữu hình’ một cách toàn diện.
Trong phạm vi và nội dung của bài này, chúng ta chỉ tạm nói về ý nghĩa ‘tài’ và ‘sắc’.
‘Tài năng’ trung thực và vững bền của con người, nói chung, có thể phát xuất từ những cách đánh giá giá trị, nhận đinh riêng, những cái nhìn riêng; từ sự trông mong, đòi hỏi, hoặc đề cao riêng; từ xã hội, từ gia đình họ gái, hoặc từ một người phụ nữ nào đó. Kế tiếp, ý nghĩa, giá trị, và cường độ “tài năng” thật, chính xác, và lâu dài, nằm trong phạm vi ‘vô hình’, có thể là giá trị tương đối; nhưng, nhìn theo nguyên lý, thì chúng luôn luôn là những giá trị ‘tuyệt đối’
Lý do nhân loại cho là những giá trị ‘tương đối’, chỉ vì sự hạn chế trình độ của phàm tục; chỉ hiểu được nhiều hơn, hoặc ít hơn về chúng nó, (là những giá trị hạn chế vì có thể bị thay đổi tùy thuộc vào ‘thời gian’ và ‘không gian’); chứ chưa hiểu toàn vẹn được giá trị vĩnh viễn và tuyệt đối của chúng nó mà thôi.
Những giá trị vô hình này, không thể dễ dàng nhận diện, hoặc nhìn thấy được qua nhãn quan mà chỉ được thấy một cách chính xác qua duy quan của người sáng suốt, có hiểu biết. Tương tự như người mù, hoặc kém kiến thức mỹ thuật và hội họa, thì không thể đánh giá sâu sắc một tác phẩm nghệ thuật. Đồng thời, nếu những người không có kiến thức về nhân đức, nhân cách, và tài năng con người, thì sẽ không thể đánh giá tài năng của một người nào đó một cách sâu sắc.
Thêm một thí dụ tương tự, trước khi nhà nông mua hạt giống tốt để canh nông một cách hữu hiệu, nhà nông này cần phải có trình độ để phân biệt giữa những loại hạt giống xấu, tốt, tốt hơn, hoặc tốt nhất.
Trở lại chuyện ‘trai tài, gái sắc’, có lẽ, đây là câu nói nằm trong phạm vi “vô tình”, vô cùng kỳ thị, thiếu công bằng, và hạn chế chăng? Tại sao?
Giá trị sắc đẹp xác thịt và tự nhiên của phụ nữ, là những giá trị ‘tương đối’, vì là những giá trị hạn chế, trong phạm vi xác thịt hạn hẹp, bên ngoài, và ngắn hạn của phụ nữ. Những giá trị bên ngoài của xác thịt có thể dễ dàng nhận diện, đánh giá. Không cần phải có một cặp mắt đặc biệt, hoặc điêu luyện, để thấy được những nét đẹp thiên nhiên trời ban cho phụ nữ. Với “sắc đẹp”, giá trị “xấu” hay “đẹp” bề ngoài (mập, ốm, cao, thấp,…), cũng được định nghĩa khác nhau, và rất tùy thuộc vào nhiều tiêu chuẩn, thời điểm; tùy thuộc vào sự khác biệt của môi trường, quê quán, khu vực, sắc tộc, quốc gia,…; hoặc tùy thuộc vào quan niệm cá nhân của mỗi người đàn ông.
Sắc đẹp được định nghĩa khác nhau: Mập đẹp, cao sang, lùn quý phái. Hình minh hoạ. Trong hình: Julia Castelli-Hoa hậu béo nước Pháp 2013. Nguồn: depspa.com
Thêm nữa, sắc đẹp bề ngoài, chỉ là những giá trị ‘tương đối’, vì nó hạn chế, chóng thay đổi, và chóng tàn phai theo luật thời gian.
Những ‘sắc đẹp’ bị che đậy, bổ túc, hoặc được thay thế bởi phấn, son, quần áo, màu sắc, gấm lụa, nữ trang, …, là những nét đẹp không phụ thuộc vào thành phần sắc đẹp chân thật; nhưng là nhân tạo, giả tạo, nhằm che đậy những hạn chế và thiếu xót của cá nhân; là sắc đẹp nhằm tạm thời đánh lừa người đối diện hạn hẹp tư duy, đó là vẻ đẹp không tự nhiên nhiên, mà không phải là sắc đẹp trung thực, sắc đẹp tâm hồn.
Nếu hiểu được và rõ ràng hơn, sự khác biệt của những giá trị ‘tương đối’ hoặc ‘tuyệt đối’, ngay cả trong quan niệm về ‘tài’ và sắc’, sẽ giúp thay đổi tâm trạng, lý trí, bản chất, và sức khỏe của con người Việt Nam.
Những hành động, lời nói, tư cách, và tư tưởng của những người trong xã hội, tương đối biểu lộ cho chúng ta thấy được trình độ sâu sắc, trưởng thành, chững chạc, hay non nớt, phi lý, hoặc sai lầm của họ. Triết gia Plato, đã khẳng định rằng: Trên nguyên lý, vì bản chất vô cùng yếu đuối và hạn chế của con người phàm tục; vì vậy, loài người, chúng ta sẽ vĩnh viễn không bao giờ biết, hoặc đạt được kinh nghiệm xứng đáng, của những gì nếu chính mỗi cá nhân chúng ta, “chưa cơ hội trực tiếp” và ‘kinh nghiệm’, ‘học hỏi’, và ‘trải qua’ (Plato, Theatetus).