Nếu là “tín đồ” của những bộ phim hay những tập truyện viết về mối quan hệ đồng giới, chắc hẳn bạn đã quá quen thuộc với những nhãn tinh dục “top”, “bot” và “vers”. Thậm chí, khi nhìn vào các cặp đôi đồng tính, bạn dễ dàng bật ra thắc mắc và suy đoán về việc ai là “top”, ai là “bot”.
Nhưng, liệu các nhãn này có chỉ đơn giản là để nói về vị trí “nằm trên” hay “nằm dưới” trong một mối quan hệ tình dục? Liệu những suy đoán về vị trí của một người dựa trên ngoại hình có thực sự vô hại? Cùng Vietnam Youth Alliance đi tìm câu trả lời qua một góc nhìn đa chiều và thực tế hơn về những chiếc nhãn tình dục này qua bài viết dưới đây!
Mục lục
Khái niệm và nguồn gốc của nhãn tình dục
Khái niệm nhãn tình dục
Top, bottom (gọi tắt là bot) và vers là những nhãn tình dục rất phổ biến trong cộng đồng đồng tính nam. Những nhãn này được dùng để chỉ vị trí của một người khi quan hệ tình dục. Những người dị tính thường có xu hướng tò mò về những tên gọi, “vị trí” trong mối quan hệ giữa những người đồng giới. Họ áp đặt mối quan hệ này theo chuẩn “dị tính”: một người là “top” (“người cho/nằm trên”, thường là người kiểm soát) và người kia là “bottom” (“người nhận/nằm dưới”, thường là người chịu sự kiểm soát). Còn vers là người thích cả hai kiểu và có thể đảm đương cả hai vị trí khi quan hệ.
Tuy nhiên, cách giải thích này lại đơn giản hóa quá mức và đã trở nên lỗi thời. Bởi cho dù có cùng bản dạng, mỗi người vẫn sẽ có những giới hạn và sở thích khác nhau khi ở trong một mối quan hệ.
Nguồn gốc
Theo một vài giả thuyết, thuật ngữ “top” và “bottom” bắt đầu được sử dụng vào những năm 60 và 70 để miêu tả vị trí trong quan hệ tình dục. Đây cũng là thời điểm xuất hiện những chiếc mật mã khăn tay được dùng để thu hút đối phương. Thuật ngữ “vers” cũng được ra đời ngay sau đó.
Dù được sử dụng nhiều trong cộng đồng đồng tính nam nhưng các nhãn này không phải là thuật ngữ riêng biệt của cộng đồng. Trái lại, “top” và “bot” có thể được dùng cho tất cả những mối quan hệ tình dục khác bất kể đồng tính hay dị tính.
Không có thuật ngữ hay khái niệm nào có thể bao hàm hết tất cả. Việc ai chủ động trước, mức độ nam tính/nữ tính, hay mức độ kiểm soát/thống trị của mỗi người hoàn toàn không liên quan tới việc là top hay bot. Bởi, hai nhãn này chỉ để nói về vai trò cho và nhận trong tình dục thâm nhập mà thôi.
Đánh giá về nhãn tình dục
Mặt tích cực
Trong bất kì một mối quan hệ nào, việc thẳng thắn chia sẻ về vị trí ưa thích khi quan hệ tình dục là một điều cần thiết và luôn được khuyến khích. Theo Tanner: “Trong các mối quan hệ xã hội, càng sớm chia sẻ về vị trí của mình thì càng dễ tìm được một người hòa hợp về mặt tình dục”.
Như vậy, việc công khai nhãn của bản thân cũng giúp bạn dễ dàng tìm được nhóm tiểu văn hóa của mình. Nhóm tiểu văn hóa (sub-culture) là một nhóm gồm những người có chung những quy chuẩn, quy tắc, niềm tin hoặc sở thích tình dục mà phần đông xã hội cho là lệch lạc. Những người có sở thích tình dục lệch “chuẩn” hay được coi là khác thường so với số đông này có thể công khai những “dấu hiệu” của họ lên mạng xã hội hoặc ứng dụng hẹn hò. Từ đó, họ kết nối với những người có cùng khuynh hướng và dễ dàng tìm được người bạn tình phù hợp.
Việc công khai nhãn tình dục cũng gắn kết mọi người trong cộng đồng và bớt đi phần nào tự ti, mặc cảm. Ngày càng có nhiều người tự tin trong việc gắn nhãn tình dục cho bản thân, chứng tỏ rằng họ đang nhận được nhiều sự ủng hộ đến từ cả trong và ngoài cộng đồng. Theo Tanner, cảm giác mặc cảm, tự ti của một người sẽ vơi dần và biến mất theo thời gian nếu họ cảm thấy được ủng hộ.
Mặt tiêu cực
Các “bot” bị miệt thị, coi thường
Bên cạnh mặt tích cực không thể phủ nhận, các nhãn tình dục cũng có các mặt tiêu cực. Hạn chế đầu tiên của việc công khai nhãn, cũng là một vấn đề “nhức nhối” trong cộng đồng đồng giới suốt thời gian dài, chính là miệt thị “bot”.
“Top” thường được xem là nam tính hơn và dễ được mọi người chấp thuận. Ngược lại, vị trí “bot” lại bị coi thường. Sự miệt thị này đến cả những người trong và ngoài cộng đồng.
Sự miệt thị này đến từ đâu?
Lý do đằng sau sự miệt thị này đến từ xã hội phụ hệ trọng nam quyền đang tồn tại. Vị trí “bot” và hành động của họ khi quan hệ tình dục thường bị so sánh với nữ giới. Vì vậy, rất nhiều người đồng tính nam chỉ muốn làm “top” khi quan hệ. Thậm chí, họ coi việc làm “bot” là làm mất đi danh dự của một người đàn ông “thực thụ”.
Vào năm 2014, nhà nghiên cứu về văn hóa và cộng động đồng tính Madison Moore đã viết trên trang Thought Catalog như sau: “Vấn đề ở đây là những người top thường được xem là nam tính, mạnh mẽ hơn, là người chủ động và kiểm soát trong mối quan hệ. Ngược lại, bottom bị xem như là người nữ bởi vai trò của họ có phần yếu đuối và thường chịu sự kiểm soát, dẫn dắt của người top”.
Moore cũng viết “Thái độ của chúng ta đối với top và bottom chính là biểu hiện của những định kiến giới đã hằn sâu trong suy nghĩ qua rất nhiều thế hệ”. Điển hình nhất là “Đàn ông phải ra đàn ông”, hay “Đàn ông không để thằng khác đụng vào lỗ hậu của mình”.
Việc coi thường, miệt thị bottom cũng có liên quan trực tiếp đến vấn nạn kỳ thị người đồng tính nam có những đặc điểm nữ tính trong cộng đồng.
Suy đoán, kết luận nhãn tình dục của một người chỉ dựa vào ngoại hình của người đó
Thực trạng của hành động trên
Khi gặp một người có vóc dáng to cao hơn, mọi người thường cho rằng người đó nam tính hơn và chắc chắn đó là top. Ngược lại, người có thân hình nhỏ con và trông “nữ tính” sẽ là bot.
Thực tế, có rất nhiều những người đàn ông nắm thế chủ động khi ở ngoài xã hội. Nhưng trong phòng ngủ, họ lại thích buông bỏ sự chủ động đó và muốn là người chịu sự kiểm soát từ đối phương. Ngược lại, không ít người đồng tính nam có thể hiện giới nữ tính ưa thích vị trí “top”.
Bradley Birkholz, một nhà sáng tạo nội dung trên Youtube và cũng là một nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính đã lên tiếng: “Thật vô nghĩa khi áp đặt nhãn cho một người chỉ vì ngoại hình hay thể hình của họ. Thậm chí, với nhiều người, đây có thể coi là một sự áp đặt và xúc phạm.”
Nguy hiểm tiềm tàng
“Người ta thường tự tin cho rằng chỉ cần dựa vào vẻ ngoài là có thể biết bạn là top hay bot khi quan hệ tình dục. Sự tự tin này thật lố bịch và nguy hiểm bất kể suy đoán của họ đúng hay sai, và bất kể là bạn thuộc giới hay xu hướng tính dục nào. Theo ý kiến của tôi, xã hội này đang áp đặt rằng: con người ta ngoài xã hội sẽ quyết định con người của ta trong phòng ngủ. Điều này không hề đúng chút nào”.
Trong các mối quan hệ tình dục nói riêng và trong mọi mối quan hệ khác nói chung, giao tiếp chính là chìa khóa. Đừng phỏng đoán, hãy trò chuyện và cùng tìm hiểu với nhau. Birkholz nói: “Không phải cứ quan hệ đồng tính là bắt buộc phải thâm nhập hậu môn; và nhãn top hay bottom bất kì ai cũng đều có thể dùng được. Đừng áp đặt nó lên người khác chỉ vì bạn nghĩ họ là vậy”.
Liệu chúng ta có THẬT SỰ cần đến các nhãn tình dục?
Đối với các mối quan hệ
Việc công khai định nhãn tình dục cho bản thân giúp việc hẹn hò và kết nối đến cộng đồng thuộc về mình trở nên dễ dàng hơn.Nhưng nhãn không phải là yếu tố quyết định độ hòa hợp của hai người trong một mối quan hệ. Theo Tanner: “Sự hòa hợp có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau”. Giảng viên giáo dục giới tính Searah Deysach, cũng là ông chủ của nhãn hàng sản phẩm tình dục Early to Bed từng chia sẻ: “Khi nói về tình dục, thỏa hiệp là cách tốt nhất để tạo được sự hòa hợp giữa những người có dấu hiệu tình dục khác nhau, ví dụ như các top yêu nhau hay các bottom yêu nhau”.
Bên cạnh đó, có một sự thật mà VYA muốn nhấn mạnh: sự thăng hoa hoà hợp trong chuyện giường chiếu không phụ thuộc vào vị trí top hay bottom. Tình dục không phải là trò chơi xếp hình. Không phải cứ có hai mảnh “top” - “bot” đặt ngẫu nhiên là có thể ghép được với nhau. Tương tự, những người có cùng sở thích tình dục không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng trở thành bạn bè.
Đối với các cá nhân nói chung
Không thể phủ nhận là trong nhiều trường hợp, các nhãn có thể được dùng để ám chỉ cho sở thích (hoặc đôi khi là cả tính cách) của một người. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một trong những dấu hiệu. Việc lạm dụng các nhãn top và bot gây ra hậu quả tương tự những định kiến giới lạc hậu. Chúng o ép, đóng khung một người theo một khuôn mẫu chung hay một kỳ vọng nhất định, từ đó ngăn cản họ khám phá bản thân.
Để dễ hiểu hơn, hãy thử lấy những người “top” làm ví dụ. Họ có thể sẽ bước vào mối quan hệ với một người mới, người mà khiến họ cảm thấy muốn được trải nghiệm cảm giác làm bottom thay vì vị trí chủ động như trong những mối quan hệ trước kia. Lúc này, nhãn “top” chính là vật cản, khiến họ lo sợ, e ngại và không dám bày tỏ mong muốn thực sự của mình với đối phương. Vì giao tiếp và trò chuyện là chìa khóa trong mọi mối quan hệ, liệu mối quan hệ ấy có thể kéo dài được bao lâu khi họ không dám mở lời?
Đối với những người vers
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Archives of Sexual Behavior (tạm dịch: Hồ sơ hành vi tình dục), một nửa cộng đồng đồng tính và song tính định nhãn vers. Nửa còn lại của nghiên cứu chia đều thành top và bottom. Điều này cũng có nghĩa là vers chiếm phần lớn trong cộng đồng đồng tính nam.
Sau khi công bố kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu tiếp tục tiến hành phỏng vấn ngẫu nhiên. Hơn 50% người vers được hỏi thừa nhận rằng họ đã từng đối mặt với thái độ miệt thị và phân biệt đối xử, dù là bằng lời nói hay hành động.
Thực tế, có nhiều định kiến coi thường vers và coi họ như là bottom. Hầu hết những định kiến này đều bắt nguồn từ sự kỳ thị giới tính và miệt thị bottom. Thậm chí, có người còn cho rằng, để tránh bị coi thường, các bottom thường nhận mình là vers.
Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng có khoảng 48% vers nói mình làm bot nhiều hơn. 52% còn lại của cuộc phỏng vấn thường là top. Điều này chứng minh rằng nhận định vers thực chất là bottom hoàn toàn không chính xác. Thậm chí chúng mình có thể khẳng định, nhận định đó chỉ là ý kiến chủ quan mang thái độ phân biệt đối xử của những người có tư tưởng miệt thị, coi thường bottom.
Đến đây, VYA tin rằng bạn đã hiểu hơn về các nhãn tình dục dưới một góc nhìn đa chiều và bao hàm cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Dù bạn có lựa chọn công khai nhãn tình dục của mình hay không thì chỉ bạn mới hiểu bản thân mình nhất. Bạn hãy đừng quá quan tâm hay đặt nặng suy nghĩ của người khác về bản thân mình. Cuối cùng, mong bạn sẽ tiếp tục đồng hành cùng VYA trong tương lai. Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết tiếp theo của chúng mình.
Người thực hiện: K.N., Vân Khanh, Nguyễn Ngọc Anh
Tài liệu tham khảo
Xem thêm
https://www.huffpost.com/entry/tops-and-bottoms-in-gay-sex_l_5cf58f6ee4b0e8085e3ec6aa
https://www.them.us/story/what-does-it-mean-to-be-a-top-bottom-or-vers
https://www.wellandgood.com/tops-bottoms-sex/
https://www.logotv.com/news/i8o5vh/vers-erasure-gay-men