Là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam, Nghệ An giữ vai trò kết nối quan trọng giữa các khu vực địa lý trong nước. Hãy cùng khám phá Nghệ An thuộc miền nào; Nghệ An thuộc miền Trung hay miền Bắc trong bài viết dưới đây.
1. Nghệ An thuộc miền nào?
Xứ Nghệ từ lâu đã được biết tới với vẻ đẹp của non nước qua câu ca dao:
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.
Nhiều bạn đọc vẫn chưa biết Nghệ An thuộc miền nào; Nghệ An có thuộc miền Trung không? Nghệ An thuộc miền Trung hay miền Bắc?...
Câu trả lời là Nghệ An thuộc miền Trung; nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ.
Miền Trung của Việt Nam bao gồm 3 khu vực là:
- Bắc Trung Bộ: gồm có 6 tỉnh;
- Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ: bao gồm 8 tỉnh, thành;
- Tây Nguyên: có 5 tỉnh.
Trong đó, 6 địa phương nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ là: Nghệ An; Thanh Hóa; Hà Tĩnh; Quảng Bình; Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị.
2. Nghệ An giáp với tỉnh nào?
Để biết rõ Nghệ An thuộc miền nào, bạn có thể căn cứ vào vị trí địa lý Nghệ An giáp với tỉnh nào hay Nghệ An gần tỉnh nào để biết được rõ hơn.
Phía Bắc của tỉnh Nghệ An giáp với tỉnh Thanh Hóa; phía Nam giáp với tỉnh Hà Tĩnh; khu vực phía Tây giáp với Lào; phía Đông giáp biển Đông.
Nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh Nghệ An có vai trò quan trọng trong việc kết nối, giao lưu kinh tế, du lịch, thương mại, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương trong nước. Đặc biệt, tỉnh Nghệ An có vị trí chiến lược trong hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối các nước trong khu vực Đông Nam Á (Thái Lan; Lào; Myanmar) với cảng Cửa Lò theo Quốc lộ 7.
Nghệ An là một trong những tỉnh, thành có hệ thống giao thông cơ bản đầy đủ các loại hình: đường bộ, đường sắt; đường thuỷ; cảng biển và đường hàng không. Với vị trí địa lý này, tỉnh Nghệ An có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, hợp tác kinh tế với các tỉnh, thành trong nước và các nước trong khu vực.
3. Điều kiện địa lý tự nhiên của tỉnh Nghệ An
Việc tìm hiểu Nghệ An thuộc miền nào dẫn bạn đọc đến với những thông tin tìm hiểu về điều kiện tự nhiên, cũng như điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương này.
3.1. Điều kiện địa hình
Nằm ở phía Đông Bắc của dãy Trường Sơn, tỉnh Nghệ An có địa hình nghiêng theo hướng Tây Bắc - Đông Nam với ba vùng sinh thái đặc trưng là: miền núi, miền trung du và đồng bằng ven biển. Trong đó, địa hình miền núi chiếm tới hơn 80% diện tích lãnh thổ toàn tỉnh.
Nơi cao nhất của tỉnh Nghệ An là đỉnh Puxailaileng ở huyện Kỳ Sơn; có độ cao 2.711 m so với mực nước biển.
3.2. Điều kiện khí hậu
Nghệ An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa có hai mùa rõ rệt là mùa hè và mùa đông. Hàng năm, từ tháng 4 đến tháng 8 dương lịch, địa phương này chịu ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam khô và nóng. Khi mùa đông đến, Nghệ An chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc lạnh. Một số huyện ở miền núi cao đôi khi xuất hiện băng tuyết.
3.3. Điều kiện thủy văn
Tỉnh Nghệ An có 7 con sông với tổng chiều dài sông suối trong khu vực của tỉnh là 9.828 km; mật độ sông trung bình là 0,7 km/km2. Trong đó, con sông lớn nhất là sông Cả (hay sông Lam) có dòng chảy bắt nguồn từ Lào.
4. Điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An
Theo số liệu Niên giám thống kê năm 2020, dân số tỉnh Nghệ An là 3.365.198 người; mật độ dân số là 204 người/km2. Hiện, tỉnh Nghệ An có 47 dân tộc cùng sinh sống.
Về quản lý hành chính, tỉnh Nghệ An có 01 thành phố, 17 huyện và 03 thị xã. Trong đó, TP Vinh là trung tâm hành chính, kinh tế của tỉnh; các huyện và thị xã là:
- 03 thị xã: Thái Hòa; Cửa Lò; Hoàng Mai
- 17 huyện: Quế Phong; Kỳ Sơn; Tương Dương; Con Cuông; Tân Kỳ; Anh Sơn; Thanh Chương; Nam Đàn; Hưng Nguyên; Nghi Lộc; Yên Thành; Diễn Châu; Quỳnh Lưu; Nghĩa Đàn; Quỳ Hợp; Quỳ Châu; Đô Lương.
Trên đây là những thông tin tham khảo khi tìm hiểu “Nghệ An thuộc miền nào". Với nhiều điều kiện thuận lợi, tỉnh Nghệ An đang tiếp tục đầu tư phát triển, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của khu vực Bắc Trung Bộ.
Mạnh Hùng
Xem thêm:
- Biển số xe 37 là tỉnh nào?
- Huyện nào có diện tích lớn nhất Nghệ An?
- Nghệ An có bao nhiêu xã, phường, thị trấn?
- Thanh Hóa thuộc miền nào của Việt Nam?