- Sailing Club Residences Ha Long Bay - khẳng định đẳng cấp với trải nghiệm bên vịnh biển
Chúng tôi chìm trong men say của những trải nghiệm crazy đó, rồi ai cũng chắc mẩm, đời mình không bao giờ quên nổi. Giá tour cũng chẳng rẻ, cách moi tiền cũng trứ danh, song, quả là đáng đồng tiền bát gạo. Trả tiền cho họ, thừa sống thiếu chết, ân hận hoặc mất ăn mất ngủ vì ám ảnh “phượt” mạo hiểm kiểu đó; nhưng trong lòng vẫn khâm phục cách làm du lịch của họ. Để rồi, ước gì trên xứ ta sẽ có nhiều hơn các tour biết nâng tầm, thoát khỏi cảnh lặp đi lặp lại các điểm đến cũ mèm, đến ngắm bằng cái cách cổ xưa, rồi đi shoping với ăn uống qua quýt sau quá trình bị ăn quỵt…
Chăm sóc đến từng ánh nhìn, từng góc máy của người thưởng lãm
Có lần, thành phố đáng sống Đà Nẵng đưa ra slogan về việc phục vụ du khách với cam kết về những cái toa lét “thoải mái như ở nhà mình” (Comfort as home). Tôi thấy thiết thực quá, chân tình quá. Chứ từ Hà Tĩnh đổ ra, bao năm ròng, mặc định: đã ghé thăm WC siêu bẩn rồi thì trở vào bàn tiệc không còn cảm giác cái gì là ngon nữa; và nếu ăn xong, đi rửa tay hoặc làm gì đó (rửa tay cũng bắt họ phải vào WC, thay vì làm vòi nước với chậu rửa bên ngoài!) là mọi món ăn giả dụ có ngon đến mấy cũng thành… buồn nôn. Tại sao và tại sao? Tôi đã hỏi hàng nghìn lần câu này rồi lại thiên nan vấn.
Vâng chuyện chẳng ai muốn nói ra này, nếu được quan tâm, thì mới là đủ nghĩa của sự nhân văn và tử tế với cộng đồng.
Trở lại câu chuyện ở trời Tây. Họ không theo kiểu “chín tháng mài dao, ba tháng chém” (9 tháng du lịch ven biển ngủ đông, 3 tháng hè vùng dậy chặt chém hết tốc lực). Mà làm du lịch kiểu như gieo rắc cái cảm giác cuộc sống tươi đẹp cho bất kỳ ai đã từng thuyền rồng ghé bến. Tôi nghĩ mình không quá lời đâu, ít ra là với các vùng tôi đã trải nghiệm và sắp kể dưới đây.
Ở Brazil, các web du lịch và báo chí cảnh báo quá nhiều về trộm cắp, cướp giật, và bạn tôi đi chợ “dân sinh” của họ cũng bị giật mất điện thoại đắt nhất trên thị trường lúc đó ngay khi hắn đang ốp siêu phẩm smartphone nọ vào tai và ngồi trong xe ô tô mở cửa sổ. Một cậu, sau khi cảnh báo mọi người như một trưởng đoàn chân chính, cũng vẫn mất cả hộ chiếu, để đến lúc tới biên giới Argentina chỉ còn biết ngậm ngùi chụp cái ảnh kỉ niệm ở trạm hải quan rồi hồi hương với hộ chiếu tạm thời do Sứ quán Bỉ tại Sao Paulo cấp. Tôi đeo máy ảnh Rx10 ở cổ, đi trên phố ở thủ đô Brazil, không chỉ người dân mà cả các gã Mỹ Latinh đặc trưng lực lưỡng lái xe ô tô chống đạn cũng rà phanh nhắc nhở: “Cất máy ảnh đi, không an toàn đâu, thưa quý ngài”.
Ngay cả trong bối cảnh đó, chúng tôi thu vén bay từ Sao Paulo đi thăm ngã ba biên giới Iguazu, giáp một lúc cả Paraguay và Argentina. Những rặng cây trút lá xong, xương xẩu đứng xếp hàng trong chạng vạng như hai hàng dũng sỹ. Mây gió ở bất cứ cái biên thùy nào cũng cho người ta một cảm giác phong trần thơ thới lạ kỳ. Qua ứng dụng Uber, đón tôi ở sân bay Iguazu là một cụ ông ngoài 70 tuổi (tài xế taxi của Tây rất hay là người già, khác ở ta). Táp-lô xe của ông toàn các bức tượng tí xíu, với nữ vũ công nhảy múa, trai lơ cầm đàn mặc quần ống loe và tranh pháo từ các băng đĩa nhạc màu mè do ông sáng tác. Vừa bật nhạc do mình sáng tác, vừa lái xe, vỗ vô lăng bồm bộp, ông vừa hát rất đắm say (văn mình vợ người mà!). Chia tay, ông lão vểnh râu bạc háy mắt chào tinh nghịch. Mải vui, bạn tôi quên một món đồ đắt tiền ở ghế sau. Chắc mẩm là mất, chúng tôi an ủi “của đi thay người” rồi vào thăm một Công viên các loài chim tuyệt kĩ của châu Mỹ.
Ai ngờ, mấy tiếng sau bước ra, giữa kìn kìn người năm châu bốn biển, vẫn thấy ông nhạc sỹ già kiên nhẫn vểnh râu bạc chờ ở đó. Ông bỏ cả buổi đón đưa khách kiếm tiền để đi tìm hai vị khách châu Á, trả lại của rơi bằng được. Xa thị phi phố xá, con người hồn hậu gấp nghìn lần. Chúng tôi ôm nhau và hát tiếp, dù ông không hiểu tiếng Việt và tôi thì lại càng chẳng hiểu tiếng Bồ Đào Nha của ông. Tôi xin gửi chút tiền xăng mà ông đi mấy chục cây số tìm tôi để trả đồ, ông kiên quyết xua tay và cười thật tươi, mũ beret trễ nải: “Viết Nàm” (Việt Nam!).
Hôm sau, ông dẫn tôi đi ngắm thác biên giới Iguazu, với lưu lượng nước lớn nhất địa cầu. Lớn hơn cả thác Niagara giữa Canada và Mỹ. Ông lại rung đùi, đập bồm bộp vào vô lăng và hát, giai điệu lí lơi khiến tôi nghĩ chắc chắn bài hát nói về tình yêu và có gì lãng mạn đến điên rồ. Ông già 70 buông hai tay khỏi vô lăng (lạy trời!), uốn tay theo đường cong ba vòng của một vũ nữ Samba bốc lửa Nam Mỹ, rồi cười ha hả. Tôi bật chế độ phiên dịch qua âm thanh, thì ông bảo: “Cuộc sống là sự điên rồ, các bạn đi du lịch cần đến với những tour điên rồ như quê tôi. Cốt sao an toàn là được”. Và ông dẫn chúng tôi đi khám phá ngọn thác kỉ lục thế giới. “Phu nhân của Tổng thống Mỹ (bà cũng là một chính khách), khi đến đây đã phải thốt lên “Poor Niagara!”, ý rằng tội nghiệp, thác khổng lồ được cả nhân loại ngưỡng mộ Niagara đã bị thác Iguazu qua mặt rồi. Ông nói, tôi mở Wikipedia thì đúng là Bách khoa toàn thư mở nói vậy thật. Có học giả còn viết: thác đẹp đến mức, chỉ có thể là sản phẩm của Đức Chúa Trời.
Thác đẹp (với 275 tầng!), cảnh sắc hai nước phủ quanh khu vực thác còn thiên thần hơn. Hai quốc gia Brazil và Argentina, mỗi nước hào phóng ốp quanh con thác kì vĩ cả một Vườn Quốc gia, cả hai đều đã được công nhận là Di sản Thế giới (từ các năm 1984 và 1986)! Một thế giới kì bí của thác, dòng nước lớn, hàng vạn chùm nước mảnh khảnh và vô thiên lủng cây rừng, các loài chim thú hoang dã; các tour khám phá, dự tiệc lá, tiệc núi với những bản làng du lịch lửa trại overnight sặc sỡ bản sắc của cả hai quốc gia. Chếch bên kia tí nữa là biên thùy đất nước Paraguay.
Tại đây, chúng tôi đã tâm đắc để cho con người và thiên nhiên Nam Mỹ ngấm vào mình. Với xúc cảm về thế giới của những cung cách phát triển du lịch, vẫn hái ra tiền mà vẫn đậm chất nhân văn, tinh tế.
Đi bộ ngắm thác nhé. Ngồi nghỉ thì cự đà, trăn rắn mò trong các mép cỏ ra ngơ ngác xin chào. Trên trời, loài ác điểu đậu kín các tán cây, chúng cãi nhau chí chóe ngoài các trận địa đá triệu năm qua vẫn rêu mốc dưới chân các sợi nước dài hàng trăm mét “thiên thượng lưu” (từ trời rơi xuống) sau quá trình sự đứt gãy trồi thụt của các mảng lục địa. Gần ba trăm “cọng” thác “kỷ lục thế giới” có khi xếp hàng dài, có khi xếp thành tầng bậc dội vào đầu nhau. Chúng được vinh danh là một trong những kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. (Tổ chức Bảy kỳ quan thế giới mới - NOWS - xếp hạng từ năm 2011).
Đi bộ trong rừng, nghe chim hót, có khi ngồi ăn kem ở vị trí trồi ra với góc thưởng lãm đẹp nhất, thì cầy hương hoang dã đi lại chạm chịn lớp lông mềm, mát rượi đến rùng mình của chúng vào chân bạn. Đuổi chúng cũng chẳng đi. Họ chăm sóc đến từng ánh nhìn, từng góc máy ghi hình của bạn, bất cứ chỗ nào bạn cần dừng lại ngắm, thì đều có sạn đạo, “bàn trà” thò ra, với lan can an toàn, thả sức tự sướng hoặc ôm “nửa bên kia của mình” mà da diết “bõ công bác mẹ sinh thành ra ta”. Đi đến gần chân thác. Họ làm cả cầu kiên cố (mà không bị lố phong cảnh) để hàng trăm người cùng đi ra giữa dòng nước, luồn vào gần bụng của thác mà ngắm. Triệu triệu tia nước li ti bay lên, cứ có nắng là cầu vồng khổng lồ xuất hiện. Ai còn sức, thì “ban tổ chức” đã công phu xây dựng kiên cố một kiến trúc cao vòi, có thang máy dựng đứng, trong nháy mắt, bạn được đưa lên đỉnh trời mà chụp toàn cảnh, ngắm panorama sơn kỳ thủy tú.
Lúc ra, bạn tới bất cứ “cửa rừng” nào, cũng có xe bus sang chảnh chờ đón.
Bạn có ý tưởng, còn chúng tôi có dịch vụ!
Đi đâu nữa, à muốn bay lên giời cao ngắm biên thùy ba nước và nhìn ngọn thác theo cách của đại bàng núi đang ngắm giang sơn gấm vóc của mình bên dưới ư? Nhất trí cao, mua vé đi. Thích đi trực thăng chụp thác cùng các đoàn khách hay thuê nguyên chuyến? Nếu bay chụp ảnh và ngắm thì máy bay êm ái, hiện đại, nó khác; còn tay chơi hơn, vừa ngắm vừa nhảy dù thì máy bay và phụ kiện phải “dị” và đẳng cấp hơn. Bên phía Argentina, họ sợ cánh quạt trực thăng và tiếng ồn động cơ sẽ làm hại đến hệ sinh thái rừng và muông thú nhút nhát, cấm rồi. Muốn “bay lên giời” ở quanh thác Iguazu, chỉ có ở Brazil thôi nhé.
Sẽ có một chiếc máy bay không cánh quạt, gầm rú như xe độ chế, vù một cái đưa bạn lên chín tầng giời, rồi thả bạn rơi tự do độ hai cây số theo trọng lực; lúc đó, dù bung và bạn có hơn chục phút bay lượn như chim, có lúc trồi lên cao cả nghìn mét, trước khi tiếp đất. À, nếu bạn thích lao vào thác Họng Quỷ (là khu vực gầm réo, hung hiểm, dữ dội, nổi tiếng nhất của thác Iguazu: cao 82m; rộng 150m; dài 700m!) thì cũng được thôi. Chúng tôi có tàu đưa bạn lao vào đó, bạn sẽ gồng mình để biển nước từ mây mù rót vào mình (nếu đủ sức chống đỡ) hoặc té điên rồ vào vào con thuyền và toàn bộ các thành viên. Nó khiến tất cả chìm, lắc, chòng chành, khiến bạn có cảm giác trời sập thật sự mất rồi. Và khi sống sót trồi lên, bạn dù tự ti nhất, vẫn nghĩ mình có lẽ cũng là một loại siêu nhân nào đó trong sức chịu đựng và sự to gan lớn mật bất ngờ.
Tôi nghe họ nói, trong men say của sự lãng du khám phá địa cầu, nhìn về quê mẹ cách hơn nửa vòng trái đất, bèn đồng ý cả hai trò mạo hiểm. “Sát phạt” với thiên nhiên hôm ấy, tôi tủm tỉm nghĩ, trời cho sống làm người thì sống tiếp, nếu không xin lỗi bố mẹ già trước nhé. Nói vui vậy, tôi hỏi gã phi công, anh nhảy tự do rồi bung dù từ máy bay này bao nhiêu lần rồi, hắn nhẩm tính: Khoảng 3.000 lần. Tôi nhìn hắn sống ngoe nguẩy, bèn bỏ 500 đô la Mỹ để tôi và anh bạn thuê bao cả chuyến một cú "đánh đu số phận".
Chiếc may bay phải nói là khá cũ và được độ chế rất tay chơi. Chẳng hiểu sao, nó lại vẽ rồng phượng hồng sậm trong ráng chiều, toát lên vẻ gì đó rất là vương giả và Á đông. Họ không cho tự ý chụp ảnh máy bay của họ, anh bạn tôi lẩm bẩm theo tư duy rất Việt Nam: chắc sợ in báo, máy bay hết đăng kiểm rồi người ta sẽ phạt. Ai nấy bật cười. Tiếng gầm đầy uy lực của động cơ đến từ thế chiến thứ 2 ấy, đúng là đốn tim người thích tốc độ, ưa cảm giác mạnh. Không cánh quạt vù vù như trực thăng thông thường đủ loại mà tôi đã từng đi.
Nó bay như tàu bay giấy, như chiếc lá chao nghiêng, vèo cái lên độ cao khoảng 4km. Phi công bảo thế, tôi vén lớp bạt phủ dọc thân máy bay ra (không có cửa!) chụp ảnh từ máy Gopro họ trang bị, thì thấy sương tạt ùn ùn. Có vẻ lạnh buốt rồi. Lên cõi khác rồi. Bên dưới, nắng vàng đổ vào chân thác nước biên thùy lớn nhất thế giới. Kế bên là Thủy điện Itaipu, ra đời từ việc chặn con sông biên giới khổng lồ giữa Paraguay và Brazil. Đây là thủy điện giữ ngôi quán quân, với hồ đập lớn nhất thế giới, trước khi đập Tam Hiệp của Trung Quốc hoàn thành vào năm 2003. Ruộng bậc thang vằn vện, các vạt nắng xiên cuối chiều óng ả trên mênh mang nước xanh. Vài chiếc trực thăng xanh lè đỏ đọc mơ mộng giăng những cỗ cánh quạt xinh xẻo cứ là chà mặt nước thác Iguazu. Nếu họ đang thưởng lãm ngọn thác từ trên cao một cách nhẹ nhàng, rón rén; thì chúng tôi là những gã crazy cất cánh hùng hổ, bay tít lên cao và rồi điên rồ hơn là nhảy vù ra khỏi máy bay theo đúng nghĩa đen.
Tôi bỏ 500 đô la Mỹ đăng ký thuê cái máy bay già nua này cho hai gã rơi tự do rồi bung dù thật đấy. Tức là tự nguyện “đú với tinh” một chuyến. Song, lúc lên cao rồi, thấy động cơ gầm gừ, mây lùa vào bát ngát, máy bay lại không có cửa mà che bằng bạt chắn gió; rồi bộ kính ốp bên ngoài kính cận nó khiến hai miếng mê ca 5 đi ốp dán thẳng vào con ngươi (họ không có kính nhảy dù… cận thị)… - tôi bắt đầu thấy sợ. Và tự oán trách mình hồ đồ coi thường công dưỡng dục của bố mẹ già. Nói thật là nếu họ đồng ý cho du ngoạn tàu bay tí tẹo rồi hạ cánh thì tôi OK ngay.
Song, anh bạn người Peru với bắp tay to như thân chuối hột, hai cổ tay đeo hai cái máy quay thể thao Gopro đời mới nhất thì quả quyết. “Mày không nhảy làm sao bọn tao dám thu tiền, Hoàng ơi”. Hắn cười vang, tôi chưa kịp cựa quậy cái thân già béo ú trong lớp quần áo phi công nặng nề, thì hắn đã ủn xác phàm của khách ra cửa máy bay, vén bạt, gió lùa như kim châm vào tay chân mặt mũi. Vèo!
Trong các giấc mơ bị bóng đè của mình, tôi hay bị rơi vào trạng thái kinh hoàng, rơi không trọng lượng vào một hố đen có khả năng nuốt vài chục tàu chiến, tàu vũ trụ và cả các tiểu hành tinh. Tôi sợ đến mức toát mồ hôi hột, dẫu Hà Nội đang dưới 10 độ C. Và bao giờ cũng tỉnh như sáo ngay lập tức, vì cảm giác biết ơn cuộc đời ập đến. Hóa ra mình chưa chết. Còn lần này, cú rơi còn lâu hơn, mà nó là cảm giác thật sự ngoài đời. “Con lợn cạo đến từ châu Á”, nặng 65 kg, sống ở đời đã hơn 17 nghìn lần thức dậy đón bình minh, hắn lặn lội sang bên kia vỏ trái đất. Bay lên độ cao gần 5.000m. Vù, vụt, vèo. Tiếng kêu khản giọng của tôi, song chắc là chẳng ai nghe tiếng, kể cả tôi cũng ít nghe thấy gì, vì gió lạnh rít, sương nặng hạt như mưa phùn. Tôi rơi (sau này biết) là khoảng 2km với tốc độ xé gió. Đang ngắc ngoải vì sợ và choáng; thì dù bung. Tôi vẫn bay lượn nhưng không rơi theo lực hút của tâm trái đất nữa. Mà lơ lửng, nối với dù đang bung lụa trên đầu bằng một sợi dây to. Vù, tôi thấy vài người bay lượn như Batman quanh mình. Họ cười, lè lưỡi, vung tay, tôi cứ ngỡ mình nằm mơ kiểu “hai vạn dặm dưới đáy biển”; vì ai cũng bay ào ào, gió quất ràn rạt, dưới kia là hồ nước khổng lồ, là thác tuyệt đẹp, là cầu vồng và hoàng hôn rực rỡ…. Hóa ra đó là các phi công nhận tiền của tôi rồi và cầm gần chục cái máy Gopro bay lượn, ngắm nghía, chụp “người bay” các góc độ.
Thật thà để lột xác và học hỏi phần còn lại của thế giới
Ngay sau cú nhảy khỏi máy bay ở Brazil kể trên, tôi lại sang giáp biên giới Argentina lao vào thác Họng Quỷ. Con thuyền lớn, cỗ xe mui trần êm ru và dài như một toa tàu hỏa, họ đưa chúng tôi lướt giữa rừng già, ngó vô vàn chim thú hoang, may mắn gặp cả báo mai hoa nữa, rồi cuối cùng là đứng ở ròng rọc, trôi từ bìa núi xuống mặt sông lớn Iguazu. Mặc áo phao, thuyền chao nghiêng mặt sóng, đeo dây an toàn thít chặt. Chơi tàu lượn trên mặt nước nửa tiếng thì… lao thẳng vào các dòng nước lớn đổ từ trên trời xuống.
Nếu lái vụng, nếu không sớm lượn ra, thì người có thể trọng thương vì sức nước dội vào đầu, tàu chắc chắn là đắm vì bị dìm xuống tận lớp đá phiến đáy sông! Trong tiếng hò reo vang trời vì sợ, vì sung sướng của hai chục người đến từ nhiều quốc gia; tôi thấy có người văng tục một cách mất kiểm soát bằng tiếng nước họ. Vì họ quá sợ hãi. Lái tàu đã rất khôn khéo lao vào giữa các dòng thác đổ dọc, đổ xiên từ trên đỉnh núi xuống mặt sông. Thuyền không chìm, ướt như chuột lột cả, song không ai bị đau đớn quá. Và họ chụp ảnh chúng tôi, trong lúc không ai nghĩ được gì vì hoan lạc và điên dại. Những bức ảnh xuất thần và đáng đồng tiền bát gạo sau đó được trao tặng với lời lỏn lẻn, tùy quý khách mở lòng ủng hộ team (ê kíp) chúng tôi.
Ra khỏi kinh khí cầu, từ ngất trời vuột khỏi máy bay từ đệ nhị thế chiến rồi tiếp đất, hay trồi ra khỏi thác Họng Quỷ kỳ quan thiên nhiên thế giới, ướt lút thút, lạnh co ro, nhiều người vẫn sợ mất mật, tất cả hào hển bước lên bờ… Bạn sẽ được chăm sóc chu đáo, mở rượu Champagne ăn mừng, tặng chứng nhận là Phi công nhảy khỏi máy bay rơi tự do ở Iguazu; bảng công nhận đã dũng cảm lao vào Họng Quỷ ở biên giới Brazil - Argentina… Bằng có tên bạn, có ảnh của bạn dánh vào đó, mà là ảnh chụp khoảnh khắc bạn tham gia sự kiện trên, chứ không phải ảnh chứng minh thư. Sú-vơ-nia (Souvenir) mỹ mí (kỉ niệm) thôi. Nhưng quả là tử tế và đáng đồng tiền bát gạo. Với những người nhảy khỏi máy bay. Họ còn được lập một tài khoản trên web của công ty tư nhân đó, nghe nói, 10 hay 100 năm sau, nếu bạn truy cập với mật khẩu tên mình (bạn có thể đổi) thì vẫn có đủ video, ảnh, bằng cấp của bạn ở đó. Họ còn treo vào cổ bạn một cái USB, có đủ ảnh đã copy từ sự kiện rụng rời và “đỉnh của đỉnh” mà bạn đã trải qua. Ai dám chắc bạn còn chơi trò ấy thêm một lần nữa trong đời?
Họ đã cho tôi những cảm xúc thăng hoa tột cùng của trải nghiệm sống, của một kiếp nhân sinh lần lữa tùng tiệm tiêu tốn sự đời khi phiêu bạt trên vỏ địa cầu. Nhưng! Họ đang làm du lịch, thu tiền đấy chứ.
Có lẽ, bài học ở đây là cách tôn trọng, nâng bước từng cảm xúc, từng góc nhìn, góc máy tự sướng hay sáng tạo của người đời. Tự tâm, khi bị thuyết phục bởi giá trị trải nghiệm mà doanh nghiệp cung cấp, thì lũ du khách chúng tôi sẽ tự nguyện trả thêm tiền. Ở Na Uy, khi đến kỳ quan lừng danh “Lưỡi Quỷ” (một mỏm đá lè khổng lồ ra mép vực ở vị trí 500m cao so với mặt vụng biển, nó giống đầu lưỡi, bọng lưỡi và chân lưỡi của một cái lưỡi hơn cả… cái lưỡi). Nó trở thành “điểm đến trước khi chết” (befor you die) mà những điệu hồn vi tế của loài người đã bầu chọn trong nhiều năm. Tôi đi bộ 3 ngày không gặp một cọng rác, không có biển cấm vứt rác, không có công nhân thu gom rác, cũng chẳng có thùng rác chình ình. Đơn giản, nó là văn hóa, ai chưa biết thì học để nhập gia tùy tục: bất kỳ ai làm phát sinh cọng rác nào thì phải tự ý thu gom, bỏ vào đáy ba lô, về thị trấn mà bỏ vào thùng.
Họ đã làm du lịch tài hoa, tự vẻ đẹp thiên nhiên trở thành con gà đẻ trứng vàng cho xứ ấy. Và hơn hết, nó thành thứ cảm xúc phiêu bồng phiêu linh cho mọi du khách, như các cụ ta bảo, đẹp đến mức, run rẩy đến mức, bao giờ “hai tay chắp bụng” về chầu tiên tổ may ra mới quên được. Cần gì phải bê tông cả nghìn tấn, làm gì phải máy móc kềnh càng, lẽ gì phải xăm trổ bắt chẹt hay đánh đấm móc họng du khách mới có tiền đâu. Nó là văn hóa làm du lịch, là nơi để chữa chạy cho con người ta khỏi hội chứng sợ không gian hẹp (của không gian sống, làm việc đô thị), để truồi theo triết lý “sống ở ngoài trời” (như một thứ “đạo”, có các tín đồ, truyền nhân, người truyền cảm hứng ở vùng Scandinavia).
Lại nhớ, gã tổ chức nhảy khỏi máy bay ở Brazil từng “moi” thêm tiền đô của tôi, bằng một cái võ rất hay. Ta hợp đồng bay, nhảy xuống và tôi chụp ảnh cho anh, tiền trả rồi; giờ còn video thì anh phải tính thêm phí nhé. Ảnh là ảnh, video là thứ khác. Tôi đớ người, chấp nhận hiểm nguy tính mạng và tim như rụng khỏi lồng ngực vì hãi - để nhảy một cú trứ danh nhớ đời, tiếc gì một trăm đô (dù mình chả giàu có gì). Nhưng mà mình chẳng lấy cái video đó thì họ cũng xóa bỏ chứ không lẽ giữ để ngắm lão già vụng về này ư? Tôi bảo, tớ không bỏ tiền lấy video, cậu cũng xóa chứ để thì nó đầy và nó rác cái thẻ nhớ ra. Thôi, cưa đôi, tớ được video mà cậu lại được giải phóng thẻ nhớ, kèm theo một nửa số tiền cậu đang mong muốn. Nếu không, hai thằng đều trắng tay trong thương vụ này. Cu cậu gãi đầu gãi tai.
Tôi viết dài dòng về các chuyện trên, chung quy, là muốn ngẫm ngợi về một bài học “hách não” cho du lịch Việt Nam. Biết đâu, mình nói vậy lại chẳng có người nghe. Để rồi nơi nào cũng phục vụ du khách kiểu với “WC thoải mái như ở nhà mình” (Comfort as home) mà Đà Nẵng từng làm rồi nhiều trường học cả nước đã lan tỏa “Nhà vệ sinh trường học như ở nhà mình”. Gớm, chuyện “tiểu đại” bé tí tẹo thế mà còn chả làm được, thì đừng trách tại sao ta cứ lẹt đà lẹt đẹt. COVID-19 đã có dấu hiệu thoái lui rồi, tôi tin, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục thật thà tự lột xác, học kinh nghiệm từ phần còn lại của thế giới để tiếp tục cất cánh.
Sailing Club Residences Ha Long Bay - khẳng định đẳng cấp với trải nghiệm bên vịnh biển Du lịch Đà Lạt hậu COVID-19: Trải nghiệm thú vị trên miền đất lạnh