Sử Việt có một thời kỳ bắc thuộc kéo dài, kể từ năm 111 trước công nguyên khi nhà Hán thôn tính Nam Việt của nhà Triệu cho đến năm 905 khi Khúc Thừa Dụ giành lấy độc lập từ nhà Đường. Trong thời kỳ bắc thuộc này, người Việt không hoàn toàn chịu sự đô hộ của phương bắc, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra, nhưng ngày nay ít được nhắc đến. Những cuộc khởi nghĩa này đã giúp dân tộc có được một khoảng thời gian độc lập nhỏ, trong đó có hai lần họ Lương khởi nghĩa.
Sau khi đánh bại Hai Bà Trưng, nhà Hán tiếp tục cai trị Giao Châu, Thứ sử Chu Ngung thực hiện chính sách rất hà khắc. Tháng Giêng năm 178, cụ tổ của họ Lương ngày nay là Lương Long, người quận Giao Chỉ, dấy binh chống lại ách đô hộ của nhà Hán. Người dân các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Hợp Phố, Nhật Nam theo ủng hộ rất đông.
Quân của Lương Long có vài vạn, được sự ủng hộ của dân chúng tấn công vào các thành ấp. Thứ sử Chu Ngung cho quân cố thủ trong các thành trì rồi cho người báo về Kinh thành nhà Hán.
Lương Long liên kết với người Ô Hử (người Tày, Nùng ngày nay) cùng Thái thú quận Nam Hải là Khổng Chi nên thanh thế rất mạnh. Nghĩa quân đánh chiếm được một vùng đất rộng lớn gồm các quận Hợp Phố (thuộc Trung Quốc ngày nay), Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam.
Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép rằng: “Mậu Ngọ, [178], (Hán Linh Đế Hoành, Quang Hòa năm thứ 1). Mùa hạ, tháng 4, người trong châu và bọn Man Ô Hử làm loạn đã lâu, mục thú là Chu Ngung không ngăn được, người châu là bọn Lương Long nhân đấy dấy binh đánh phá quận huyện, quân đến vài vạn người”.
Năm 181, vua Hán cử Chu Tuấn cất quân sang đánh quân khởi nghĩa. Chu Tuấn đưa quân đến không vội đánh ngay mà phô trương thành thế quân Hán, vừa mua chuộc vừa đe dọa khiến một số người của nghĩa quân sợ hãi, nội bộ mất đoàn kết. Lúc này Chu Tuấn mới cho quân tấn công.
Lương Long dù quyết chiến đến cùng nhưng không sao địch nổi. Chu Tuấn cho quân nhanh chóng đánh dẹp các cuộc phản kháng còn lại.
Cuộc khởi nghĩa của Lương Long giúp Giao Châu có được quyền tự chủ 3 năm ngắn ngủi.
Chu Ngung tiếp tục được cử làm Thứ sử, nhưng năm 183 binh lính người Việt nổi lên giết chết Chu Ngung. Sự tham lam và hà khắc của Chu Ngung được báo về Triều đình nhà Hán. Nhà Hán liền cho viên quan khác đến làm Thứ sử, sự hà khắc cũng giảm đi.
Cuộc binh biến của Lương Thạc
Đến thời nhà Tấn vào năm 317, Thứ sử Giao Châu là Cố Sâm (Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi là Cố Tham) bị mất, em trai là Cố Thọ tự ý lên làm Thứ sử Giao Châu, nhưng quân tướng và dân chúng đều không chịu. Cố Thọ liền thẳng tay giết chết những ai chống lại mình, nhưng Đốc quân Lương Thạc trốn thoát được rồi dấy binh chống lại Cố Thọ. Lương Thạc vốn là hậu duệ của Lương Long.
Lương Thạc dấy binh giết được Cố Thọ, rồi tự mình làm Thái thú.
Tuy Lương Thạc là người Việt nhưng lại chuyên quyền nên không được lòng dân, vì thế phải đón Thái thú Thương Ngô là Đào Oai (Đại Việt Sử ký Toàn thư viết là Đào Uy) về tôn làm Thứ sử Giao Châu. Đào Oai rất được lòng dân chúng.
Năm 322, nhà Tấn cử Vương Lượng làm Thứ sử dẫn quân đánh Lương Thạc. Tuy nhiên Lương Thạc đánh bại và vây chặt quân của Vương Lượng ở thành Long Biên (sau đổi tên là thành Thăng Long).
Năm 323, vua Tấn phải cử danh tướng Đào Khản đi cứu Vương Lượng và chiếm lại Giao Châu. Đào Khản vừa lập rất nhiều công lớn khi đàn áp được các cuộc nổi dậy trong nước, nên vua Tấn hy vọng lần này sẽ bình định và cai trị được Giao Châu.
Đào Khản chưa kịp đến nơi thì Lương Thạc đã đánh chiếm được thành Long Biên, chuẩn bị đón đánh quân của Đào Khản.
Nhưng Lương Thạc vẫn giữ tính cách hung bạo, không được lòng dân, vì thế khi quân Tấn đến đánh, quân của Lương Thạc đơn độc chống trả rồi bị thất bại.
Sau 6 năm giành được chủ quyền, người Việt lại rơi vào ách đô hộ của phương bắc. Các cuộc nổi dậy tương tự như của Lương Long, Lương Thạc xuất hiện nhiều trong thời kỳ bắc thuộc nhưng ngày nay ít được nhắc đến. Dòng họ Lương sau này xuất hiện các nhân tài như trạng nguyên Lương Thế Vinh, bảng nhãn Lương Đắc Bằng (thầy của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm).