CSVN - Với đặc trưng của nền văn minh lúa nước nằm trong khu vực có vị trí thiên nhiên nóng ẩm, nhiệt đới gió mùa, nên người nông dân Việt Nam từ ngàn đời đã gắn bó cuộc đời mình, cuộc sống lao động vất vả của mình với con trâu, thậm chí con trâu có vị trí xứng đáng trong mỗi gia đình: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”.
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam, ông cha ta đã đúc kết và khái quát hình ảnh con trâu bằng lối ví von so sánh, nhắc nhở, khuyên nhủ con người trong các mối quan hệ xã hội. Một bức tranh mộc mạc thanh bình:
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.
Không ai quên khung cảnh miền quê, hương đồng gió nội, bên sông là triền đê, sau triền đê là lũy tre làng, sau lũy tre ấy con người và trâu gắn bó với nhau như hình với bóng, người nông dân luôn xem trâu như người bạn:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Tuy nhiên để khiển cho được trâu đâu phải dễ, hò dí - thá - họ - rị, lúc cày lúc kéo cũng cần phải sự kiên trì cả người lẫn trâu thì lao động mới có kết quả, trâu và người mới hiểu nhau. Vì thế ông bà ta vẫn nhắc nhở con cháu, coi ứng xử với trâu là một kiểu ứng xử không bạo lực, phải có văn hóa:
Trăm năm còn có gì đâu
Miếng trầu liền với con trâu một vần
Trong gia đình dù ảnh hưởng tư tưởng lễ giáo phong kiến “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nhưng các cụ ta lại nhận thức rất khác về vai trò con trai con gái trong xã hội: “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Có lẽ giá trị văn hóa về con gái đầu lòng trong văn hóa Việt cũng cần được đặt đúng vị trí của nó.
Những chàng trai cô gái lớn lên gắn với ruộng vườn tiếp tục nghiệp nông gia, cha mẹ tự hào thấy con “Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu” là suy tính, chuẩn bị tính chuyện tìm mối mai cưới gả:
Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà
Cả ba việc đó thật là khó thay.
Trong đời sống dù hữu hạn trong lũy tre làng nhưng những mối quan hệ xã hội cũng không phải không có những sự việc cần điều chỉnh. Nếu con cãi lời cha mẹ, nói nhiều lần không nghe được cho là: “Đàn gảy tai trâu”. Lối nói ví von khi các hương lý trong làng hục hặc nhau làm dân khổ: “Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”. Và tốt nhất là lo làm ăn, không phe ông này bà nọ mà thiệt thân, nhất là tránh xa lũ: “Đầu trâu mặt ngựa” - một loại xã hội đen ngày nay. Bên cạnh đó, ông bà ta còn khuyên cách ăn ở với làng xóm, anh em với nhau phải nghĩa tình công bằng, nếu không thì: “Trâu buộc ghét trâu ăn”, sinh ra lắm chuyện mâu thuẫn, ngay cả chốn quan trường:
Trâu buộc thì ghét trâu ăn
Quan võ thì ghét quan văn dài quần.
Các cụ còn dạy chớ có quá tham lam mà “chết lỗ chân trâu” hoặc tệ như “chết vũng trâu đằm” thì nhơ nhuốc quá. Bằng kinh nghiệm thực tế mà đúc kết những lời khuyên nên tránh xa một số nghề:
Phù thủy, thầy bói, lái trâu
Nghe ba anh ấy đầu lâu chẳng còn.
Và chê trách những cặp vợ chồng không xứng đôi, nhất là vớ phải anh chồng tệ hại:
Con vợ khôn lấy thằng chồng dại
Như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu.
Trong các mối quan hệ xã hội, ông bà ta cũng rất rộng lượng: “Yếu trâu hơn khỏe bò”, thôi thì cùng nhau vượt khó: “Trâu béo kéo trâu gầy”. Cuộc sống vợ chồng lắm lúc xung đột là điều không thể tránh khỏi. Nhưng gặp phải người vợ hay cằn nhằn “dai như trâu đai” thì cả hai phải xem lại mà khắc phục, kẻo “làm cực như trâu” tổn hại đến hạnh phúc gia đình.
Tuy nhiên dù “làm cực như trâu” nhưng hàng năm họ vẫn nô nức rủ nhau xem hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng):
Dù ai buôn bán nơi đâu
Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai bận rộn trăm bề
Mùng chín tháng tám nhớ về chọi trâu.
MINH ANH
Related posts:
- Ứng dụng khoa học kỹ thuật
- Tôi yêu cây cao su
- Ở nhà ngày “cách ly”
- 11 chương trình biểu diễn tại Hội thi Tiếng hát CN Cao su KV III
- Háo hức niềm vui khi Xuân về
- Lời tự sự của cây cao su già ở Dầu Giây
- Báo Xuân xưa
- Kỷ lục
- Ảnh dự thi Nét đẹp lao động
- Nhớ mùa báo Tết Nhâm Tuất