Rất nhiều người cảm thấy dù đang ở trạng thái bình thường, nhưng rất dễ bị giật mình bởi những tiếng động bất chợt. Họ thường cảm thấy bực bội, khó chịu và không thể tập trung vào việc đang làm.
Bạn có thể đã mắc "chứng giật mình" khi:
- Bạn rất nhạy cảm với những âm thanh, cử động nhỏ.
- Có một vài việc làm bạn lo lắng, sợ hãi hơn mọi ngày.
- Bạn cảm thấy dây thần kinh căng ra, cực nhạy cảm và phản ứng thái quá với mọi việc.
- Bạn dễ bị "dọa" cho sợ chết khiếp bởi những điều nhỏ nhặt.
"Chứng giật mình" có thể xuất hiện rồi biến mất, nhưng cũng có thể trở thành bệnh kinh niên. Tức là, về tần suất, bạn có thể thỉnh thoảng dễ bị giật mình, có thể hay giật mình ở một giai đoạn nào đó thôi, hoặc lúc nào cũng dễ bị giật mình.
Với nhiều bạn, "chứng giật mình" biểu hiện theo dạng sóng biển, biểu hiện mạnh mẽ ở thời điểm này và giảm nhẹ ở thời điểm ngay sau đó.
Khi rơi vào trạng thái stress, căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, buồn rầu... càng sâu, thì "chứng giật mình" của bạn càng nghiêm trọng. Điều này đã tiết lộ nguyên nhân chính gây ra hội chứng này: Phản ứng lại với stress.
Trạng thái lo lắng, căng thẳng sẽ tăng cường các giác quan và kích thích hệ thần kinh để "phòng vệ". Sự sẵn sàng phòng vệ khẩn cấp này sẽ gây ra phản ứng giật mình.
Giật mình chính là sự phản ứng ngay lập tức, đã gây ra những thay đổi sinh lý, tâm lý và cảm xúc trong cơ thể để tăng khả năng đối phó với mối đe dọa bên ngoài. Phản ứng sinh học trước tình trạng căng thẳng cấp tính ra lệnh cho cơ thể chuyển từ phản ứng "chiến đấu" hoặc "chạy trốn" (fight or flight response).
Vì các hormone căng thẳng giống như chất kích thích, tác động trực tiếp đến hệ thần kinh của cơ thể, nên nếu tình trạng căng thẳng kéo dài, liên tục sẽ gây ra hàng loạt các ảnh hưởng tới thần kinh, và dễ giật mình là một trong số đó.
Với giai đoạn tuổi mới lớn sẽ dễ bị chịu áp lực từ việc học hành, bạn bè, gia đình... Vì tâm lý chưa ổn định và chưa biết cách cân bằng nên những áp lực này gây nên những căng thẳng thần kinh của các bạn trẻ.
Nếu bạn không thường xuyên bị stress, cơ thể có thể phục hồi những thay đổi sinh lý, tâm lý và cảm xúc khá nhanh chóng. Tuy nhiên, khi tình trạng căng thẳng diễn ra quá thường xuyên, hoặc với cú sốc quá đột ngột, cơ thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi. Cơ thể lúc nào cũng ở tình trạng phòng vệ khẩn cấp và kích thích quá mức bởi các "hormone căng thẳng". Chính chúng là căn nguyên của phản xạ siêu nhạy, nhảy dựng lên hoặc bối rối...
Ngay cả khi trạng thái căng thẳng qua đi, các triệu chứng vẫn có thể tồn tại lâu dài. Các bạn cần lưu ý rằng, cơ thể phải cần 20 phút để phục hồi về trạng thái hoàn toàn bình thường sau khi bị giật mình đấy nhé. Đối với những cơn sốc, căng thẳng dai dẳng thì cần nhiều thời gian hơn thế.
Mặc dù triệu chứng này không có hại nhưng khiến chúng ta trở nên khó chịu, bối rối, lo lắng và khó tập trung. Muốn trị tận gốc hội chứng dễ giật mình này, chúng mình cần thực hiện những điều sau:
- Giảm căng thẳng để làm dịu phản ứng thần kinh.
- Hít thở, thư giãn giúp kiểm soát được phản ứng của hệ thần kinh.
- Tránh nghĩ về những việc khiến bạn sợ hãi.
- Giấc ngủ sâu sẽ phục hồi thần kinh nhanh chóng.
- Tập thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên làm giảm căng thẳng rất hiệu quả.
- Làm những việc khiến bản thân vui vẻ.
Nguồn: Thebestbrainpossible