Cây xạ đen được coi như thần dược bởi có nhiều công dụng cho sức khỏe. Mỗi loại xạ đen sẽ cho hiệu quả điều trị khác nhau. Do đó cần phân biệt cây xạ đen có mấy loại để chọn được loại xạ đen tốt nhất. Đồng thời cũng tránh được tình trạng mua hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn tìm hiểu về thắc mắc cây xạ đen có mấy loại cũng như công dung của cây xạ đen đối với sức khỏe.
Đặc điểm của cây xạ đen
Trước khi tìm hiểu về cây xạ đen có mấy loại, mời bạn đọc cùng tìm hiểu để biết thêm về các đặc điểm của cây xạ đen.
Cây xạ đen là tên gọi theo cách gọi của người dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình. Trong đó loại xạ đen được nghiên cứu có tác dụng điều trị bệnh là xạ đen châu Âu. Tên khoa học của cây xạ đen châu Âu là Celastrus hindsii thuộc họ Celastraceae (Dây gối). Bên cạnh đó thì cây xạ đen Hòa Bình thuộc họ Borraginaceae (Vòi voi). Tên khoa học của cây xạ đen Hòa Bình là Ehretia asperula Zoll.et Mort.
Xưa nay các bài thuốc dân gian điều trị đau bụng, đau bụng kinh, bệnh gan, vàng da do gan của người dân vùng cao tỉnh Hòa Bình là do truyền miệng. Thực tế các nghiên cứu về tác dụng ức chế khối u của cây xạ đen là nói đến loài xạ đen Châu Âu - Celastrus hindsii.
Cây xạ đen Celastrus hindsii có các đặc điểm hình thái đặc trưng như sau:
- Dây leo thân gỗ có chiều dài từ 3 - 10m, mọc thành búi, cây có cành tròn. Lúc còn non cây có màu xám nhạt, sau đó chuyển sang màu nâu, về sau sẽ có màu xanh.
- Lá mọc so le có phiến lá hình bầu dục, dài khoảng 7 - 12cm. Lá cây dai, có 7 đôi gân, mép lá có răng cưa hình tháp.
- Chùm hoa mọc ở ngọn hay nách lá, dài khoảng 5 - 10cm. Hoa có 5 cánh hoa màu trắng. Cây có hoa cái thì có bầu 3 ô.
- Quả cây có hình trứng, dài 1cm, khi quả chín có màu vàng, tách ra thành 3 mảnh. Bên trong quả có hạt màu đỏ hồng, có áo hạt phía ngoài.
- Mùa hoa vào khoảng tháng 3 đến tháng 5, mùa quả sẽ trong khoảng tháng 8 đến tháng 12.
Cây mọc ở vùng núi với độ cao từ 1000 - 1500m so với mực nước biển. Cây xạ đen phân bố nhiều ở các nước như: Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar. Ở Việt Nam, cây xạ đen châu Âu (Celastrus hindsii) phân bố rải rác ở các tỉnh như: Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, vườn quốc gia Cúc Phương, Thừa Thiên-Huế, Tây Nguyên,...
Cây xạ đen có mấy loại?
Dựa vào các đặc điểm hình thái để biết cây xạ đen có mấy loại. Theo đó người ta chia thành các loại như sau:
Cây xạ đen
Thân cây có nhựa đen nhưng không nhiều. Thân cây có mùi thơm khi phơi khô, lá có mùi thuốc lá nhẹ, không vỡ vụn khi phơi đủ nắng.
Cây xạ trắng
Hình thái tương tự như cây xạ đen nhưng lá màu xanh nhạt hơn, không có răng cưa. Thân cây không có nhựa màu đen. Khi phơi khô lá và thân cũng không có mùi thơm.
Cây xạ đỏ
Cây xạ đỏ cùng họ với cây xạ đen. Thân cây có màu đỏ từ gốc đến ngọn. Lá không có răng cưa. Khi vò nát lá sẽ ngửi thấy mùi rất thơm. Hoa có hình thái giống hoa của cây xạ đen nhưng hoa có màu đỏ.
Cây xạ vàng
Cây xạ vàng có thân to hơn cây xạ đen. Lá cây mỏng, không có răng cưa. Khi phơi khô, lá dễ nát giòn. Thân và lá không có mùi thơm.
Công dụng của cây xạ đen đối với sức khỏe
Các loại cây xạ đen ở trên đều được trồng ở vùng núi phía bắc. Thế nhưng loại xạ đen được nghiên cứu có tác dụng ức chế khối u là loại xạ đen châu Âu. Phân biệt được các loại cây xạ đen sẽ giúp chúng ta chọn đúng loại dược liệu có hiệu quả điều trị bệnh.
Thành phần của cây xạ đen bao gồm: Polyphenol, sesquiterpen, triterpen, acid amin, flavonoid,... Nhờ đó cây xạ đen có nhiều công dụng khác nhau đã được nghiên cứu như sau:
- Ức chế khối u: Nhờ các hợp chất có hoạt tính là polyphenol, flavonoid, quinone nên cây xạ đen có tác dụng ức chế tế bào ung thư phát triển, từ đó ngăn chặn khối u phát triển và di căn.
- Chống oxy hóa: Các hoạt chất như flavonoid, saponin, quinone,... có khả năng chống lại các gốc tự do, từ đó bảo vệ được tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do.
- Kháng khuẩn: Hoạt chất saponin, triterpenoid có khả năng kháng khuẩn, bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh viêm nhiễm.
Một số lưu ý khi sử dụng cây xạ đen
Các bài thuốc từ các loại cây xạ đen khác cùng họ với xạ đen chưa được nghiên cứu rõ ràng. Tuy nhiên theo các kinh nghiệm sử dụng của người dân tộc Mường thì cây xạ đen khác vẫn dùng để điều trị các bệnh như đau bụng, vàng da do gan,...
Với các nghiên cứu hiện đại, vẫn chưa đưa cây xạ đen vào phác đồ điều trị bệnh. Các nghiên cứu là bước đầu xác định các hoạt tính kháng khối u với tiềm năng trong hỗ trợ điều trị ung thư. Để sử dụng cây xạ đen an toàn, có các lưu ý sau đây:
- Không dùng quá liều lượng cho phép. Bởi vì quá liều có thể làm hạ huyết áp, gây hoa mắt, chóng mặt.
- Thuốc hoặc trà từ cây xạ đen sau khi nấu hoặc hãm cần sử dụng đúng liều lượng và dùng hết ngay trong ngày. Không nên để thuốc qua đêm cũng như không nên trữ trong tủ lạnh vì nguy cơ gây đau bụng, đầy bụng và đi ngoài.
- Tác dụng phụ của cây xạ đen là có thể gây ngủ gà, ngủ gật. Người ta dùng xạ đen với tác dụng an thần, giúp ngủ ngon ở liều lượng cho phép.
- Không nên sử dụng đối với người bị suy thận hoặc người mắc các bệnh thận khác. Đối với đối tượng này, không chỉ riêng xạ đen mà tất cả các loại thuốc đang sử dụng cũng cần phải tuyệt đối tuân thủ liều của bác sĩ chỉ định.
- Không được tự ý tăng giảm liều lượng hoặc phối hợp với các loại dược liệu khác. Việc tăng hay giảm liều lượng có thể sẽ gây ra các tác dụng không mong muốn khi sử dụng. Việc tự ý phối hợp với các loại dược liệu khác có thể gây ra tương tác thuốc nguy hiểm.
- Một số đối tượng đặc biệt như: Phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con cho bú, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi nếu muốn dùng xạ đen để điều trị các bệnh ung thư cần hỏi ý kiến của bác sĩ.
Như vậy qua bài viết trên bạn đã biết được cây xạ đen có mấy loại. Dựa vào các đặc điểm hình thái bên ngoài để chọn đúng loại xạ đen có hoạt tính trong hỗ trợ điều trị bệnh. Đồng thời cũng tránh được tiền mất tật mang. Điều quan trọng khi sử dụng dược liệu là nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định dùng với mục đích điều trị.
Xem thêm: Cây xạ đen trị bệnh gì? Hướng dẫn bài thuốc dùng xạ đen trị bệnh hiệu quả