“Tào tháo rượt” là tình trạng không ai muốn gặp trong cuộc sống. Nhất là khi bạn đang đi làm hay có công việc đột xuất phải ra ngoài thì chấm dứt tiêu chảy càng nhanh càng tốt. Nhà thuốc Long Châu đề xuất các cách cầm tiêu chảy nhanh nhất trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân của bệnh lý tiêu chảy
Tiêu chảy là khi bạn đi ngoài phân lỏng trong một ngày quá ba lần. Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy bao gồm:
- Nhiễm khuẩn: Sự xâm nhập của các loại vi khuẩn như: Clostridium, Salmonella, tụ cầu,... Các loại vi khuẩn này vào đường ruột bởi thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, ăn uống không đảm bảo thực phẩm đã chín, chế biến thực phẩm không đúng cách,...
- Vệ sinh môi trường xung quanh kém: Môi trường xung quanh khu vực nấu ăn, chén bát đựng đồ ăn không sạch, nhiễm vi khuẩn cũng là nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy.
- Hệ vi khuẩn đường ruột mất cân bằng: Khi bạn sử dụng kháng sinh trong thời gian dài chính là nguyên nhân tiêu chảy phổ biến trong cuộc sống.
- Hội chứng ruột kích thích: Thay đổi thói quen ăn uống, tiêu thụ thực phẩm không phù hợp với cơ thể, tâm trạng không thoải mái gây ra hội chứng kích thích có biểu hiện là tiêu chảy thường xuyên.
- Không dung nạp đường: Cơ thể không có khả năng dung nạp các loại đường do thiếu men lactase, sucrase-isomaltase,... Cũng có thể gây ra tiêu chảy.
- Viêm đại tràng: Bệnh lý viêm đại tràng có triệu chứng phổ biến là tiêu chảy, cần được can thiệp điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe cho người bệnh.
Bên cạnh tần suất đi tiêu lỏng nhiều lần trong ngày, tiêu chảy còn kèm thêm một số triệu chứng nghiêm trọng cần được can thiệp ngay lập tức như:
- Tình trạng tiêu chảy liên tục kéo dài hơn 2 ngày.
- Cơn đau bụng không thuyên giảm mà đau nhiều hơn, trực tràng đau rát nhiều.
- Tiêu chảy kèm sốt cao, kéo dài nhiều ngày mặc dù dùng thuốc vẫn không thuyên giảm.
- Đi tiêu phân lỏng bất thường như có màu đen, lẫn máu,...
- Cơ thể người bệnh mệt mỏi, suy kiệt, đau đầu, chóng mặt liên tục.
- Nôn liên tục, tim đập nhanh.
Khi có các biểu hiện nghiêm trọng trên, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và hỗ trợ điều trị ngay lập tức. Càng để tình trạng tiêu chảy kéo dài, sức khỏe của người bệnh càng bị ảnh hưởng nên rất cần được điều trị.
Các cách cầm tiêu chảy nhanh nhất mà cực hiệu quả
Tình trạng tiêu chảy có thể tự biến mất sau vài ngày nhờ cơ chế tự cân bằng của cơ thể. Nhưng dứt điểm tiêu chảy càng sớm, hệ quả của tiêu chảy sẽ được kiểm soát tốt hơn. Các cách cầm tiêu chảy nhanh nhất nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả được liệt kê dưới đây.
Bổ sung nước cho cơ thể liên tục
Cơ thể bị mất nước, mất cân bằng điện giải, khoáng chất là tình trạng cần phải được cải thiện đầu tiên trong quá trình điều trị tiêu chảy. Khi bị tiêu chảy, người bệnh cần bổ sung nước nhiều hơn thường ngày, bổ sung nước lọc hay nước ép trái cây đều tốt cho cơ thể trong thời điểm này.
Đối với trẻ còn bú mẹ, mẹ tăng tần suất bú, thời gian bú cho trẻ để đảm bảo cấp đủ nước bù lại cho cơ thể bé. Nếu tình trạng tiêu chảy nguy hiểm hơn nữa, người bệnh có thể được chỉ định cần dùng thêm một số loại dung dịch bù nước và điện giải.
Bổ sung lợi khuẩn
Sữa chua là sản phẩm quen thuộc chứa nhiều lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa. Lợi khuẩn trong sữa chua giúp cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột, tăng cường sản sinh acid lactic giúp đào thải độc tố, cải thiện tình trạng bệnh. Nếu được, người bệnh nên kết hợp sữa chua và chuối để lượng lợi khuẩn phát triển tốt hơn trong hệ tiêu hóa.
Bổ sung thực phẩm nhiều tinh bột
Thực phẩm giàu tinh bột như: Ngũ cốc, gạo, khoai tây, bột sắn, cà rốt, rau xanh,... Là những nguồn dưỡng chất quan trọng cho cơ thể, giúp giảm áp lực cho hệ tiêu hóa, giảm tần suất đi tiêu phân lỏng.
Dùng thuốc điều trị tiêu chảy
Khi có thể, người bệnh thường xuyên tiêu chảy nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn về loại thuốc cần dùng để điều trị. Người bệnh có thể được hướng dẫn sử dụng các loại thuốc không kê đơn phổ biến và hiệu quả. Nhưng đối với người bệnh tiêu chảy mãn tính (tiêu chảy hơn 14 ngày) có thể được kê các loại thuốc đặc trị khác.
Tập trung nghỉ ngơi
Người mắc bệnh tiêu chảy có thể do quá căng thẳng, ăn uống không phù hợp. Khi đã mắc bệnh, người bệnh cần được nghỉ ngơi, tránh làm việc, căng thẳng tiếp tục. Trong vài ngày, người bệnh nên tập trung vào việc nghỉ ngơi và bổ sung lại các chất dinh dưỡng, lợi khuẩn cho cơ thể. Người bệnh có thể dùng túi chườm bụng để làm giảm nhẹ cơn đau.
Các loại thức ăn cần tránh xa
Hệ tiêu hóa của người bệnh đang báo động và chất lượng hoạt động của đường ruột cũng không ổn định. Nên người bệnh cần chú ý tránh các nhóm thực phẩm khó tiêu, nhiều gia vị cay, nóng, đồ chế biến sẵn,... Những thực phẩm này chứa lượng chất dinh dưỡng không nhiều, nhưng nguy cơ cao sẽ làm tình trạng tiêu chảy trở nên tệ hơn. Người bệnh nên dùng những món ăn dạng lỏng, dễ tiêu và đầy đủ chất dinh dưỡng.
Các mẹo đơn giản cầm tiêu chảy tại nhà
Các cách cầm tiêu chảy nhanh nhất tại nhà đa phần là sử dụng thực phẩm đến từ thiên nhiên như:
- Trà hoa cúc: Dưỡng chất trong trà hoa cúc giúp giảm co thắt đường ruột, cải thiện triệu chứng tiêu chảy. Người bệnh nên dùng một ly trà hoa cúc ấm khi bắt đầu có tình trạng tiêu chảy.
- Trà vỏ cam: Lượng tanin, pectin và các nhóm khoáng chất giúp cải thiện nhu động ruột giống như trà hoa cúc. Người bệnh có thể lựa loại trà có sẵn tại nhà để tiện sử dụng.
- Quả việt quất: Chất anthocyanosides có khả năng kháng khuẩn tốt, loại bỏ vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy trong đường ruột. Vậy nên, ăn quả việt quất trong thời gian tiêu chảy cũng có hiệu quả rất tốt.
- Lá ổi, búp ổi: Đây là một trong các biện pháp cầm tiêu chảy từ xa xưa. Lá ổi cũng giống như quả việt quất, có khả năng kháng khuẩn. Đồng thời, trong lá ổi có chất giúp giảm nhẹ các cơn co thắt ruột.
- Gừng tươi nướng: Phương pháp này hiệu quả nhất với các vấn đề tiêu hóa như: Ngộ độc thực phẩm, dị ứng thực phẩm, nôn ói, tiêu chảy kèm theo. Nhưng không phải đối tượng nào cũng có thể sử dụng. Gừng tươi nướng không nên dùng với người có bệnh lý về gan, phụ nữ mang thai, sốt cao.
Cách cầm tiêu chảy nhanh nhất và những mẹo cầm tiêu chảy tại nhà đã được đề cập trong bài viết trên đây. Hãy bỏ túi ngay những cách tiện lợi này để kịp thời ứng biến khi vô tình bạn gặp tình trạng “tào tháo rượt”.
Xem thêm:
- Cách chữa tiêu chảy bằng lá lốt hiệu quả và lưu ý cần biết
- Mách bạn cách pha nước muối đường trị tiêu chảy hiệu quả
- Mách bạn cách trị tiêu chảy bằng gừng hiệu quả