Khi nói đến hoàn cảnh nghèo khó, túng thiếu của cải tiền tài, người ta hay dùng những chữ như bần hàn, cùng cực. Hai chữ “bần” và “cùng” thường thấy xuất hiện cạnh nhau, nhưng hàm nghĩa của chúng lại có chỗ không giống nhau. Có người từng nói: Cuộc sống thanh bần không đáng lo, nhưng nếu rơi vào hoàn cảnh “cùng” đường thì mới thực sự là khảo nghiệm lớn với mỗi người. Tại sao lại nói như vậy?
Theo giải thích Hán tự, cuốn “Thuyết văn giải tự” nói về chữ “bần” (貧) như sau: “Bần, tòng bối tòng phân, phân diệc thanh.” Ý từ là thiếu tiền thì bần hàn, nghèo khó.
Trong tiếng Hán, chữ “bần” (貧) do bộ bối (貝) và bộ phân (分) cấu thành. Trong đó, bối có nghĩa là vỏ sò, từng là loại tiền tệ dùng trong thời cổ đại. Bộ bối này thường xuất hiện trong các chữ liên quan đến tài phú, giàu có như tài 財, quý 貴, tiện 賤, bồi 賠, v.v. Còn bộ phân (分) là thành tố vừa biểu nghĩa vừa biểu âm. Tức là nếu tiền tài mà gom góp lại ắt nhiều, phân chia ra ắt ít ỏi. Do đó, “bần” tức là thiếu tiền tài, của cải.
Trong con mắt của cổ nhân, cuộc sống thanh bần (nghèo mà trong sạch) thì không đáng lo ngại. Chẳng hạn, trong cuốn “Luận ngữ - Ung dã” viết rằng: “Nhất đan thực, nhất biều ẩm, tại lậu hạng, nhân bất kham kỳ ưu, Hồi dã bất cải kỳ lạc.” Đây là lời khen ngợi của Khổng Từ dành cho Nhan Hồi, ý tứ là Nhan Hồi thật là hiền đức, một giỏ cơm, một bầu nước, ở tại ngõ nhỏ, người khác không chịu nổi, còn Hồi vẫn không thay đổi niềm vui. Vì đối với một người chỉ lo không biết Đạo, chứ không màng đói no, bần hàn như Khổng Tử và Nhan Hồi, có thể làm được như vậy thì quả là người hiền đức.
Trái lại, giàu có mà không tu thân tích đức thì ắt sẽ nhận phải tai họa. Vào thời Tây Tấn, có phú hào tên Thạch Sùng vô cùng giàu có, lại thích thi đấu với người khác xem ai giàu hơn. Sau cùng, vì tranh đấu tiền tài mà gây ra tai họa, cả nhà bị xử trảm, mãi đến lúc chết mới nhận ra lỗi lầm, lúc ấy hối hận cũng đã muộn rồi.
Sách “Quốc ngữ” viết rằng: “Nhược bất ưu đức chi bất kiến, nhi hoạn hóa chi bất túc, tương điếu bất hạ.” Ý tứ là nếu không chăm lo hành thiện tích đức, mà chỉ sầu vì tiền tài không đủ tiêu, đó mới là điều thực sự đáng lo ngại, xót thương.
Vậy cổ nhân đối đãi như thế nào khi sống trong thanh bần hay phú quý?
Trong “Luận ngữ - Học nhi đệ” ghi chép lại cuộc đối thoại giữa Khổng Tử và học trò Tử Cống rằng:
Tử Cống nói: “Bần nhi vô siểm, phú nhi vô kiêu, hà như?”
Khổng Tử đáp: “Khả dĩ. Vị nhược bần nhi nhạc, phú nhi hảo lễ giả dã.”
Dịch nghĩa:
Tử Cống nói: Nghèo mà không nịnh nọt, giàu mà không kiêu ngạo, như thế là thế nào [như thế đã được chưa]?
Đức Khổng Tử nói: Như thế cũng được. Nhưng vẫn không bằng nghèo mà có đời sống hạnh phúc vui vẻ, giàu mà sống có hiếu lễ vậy.
Tử Cống là một trong những học trò xuất sắc nhất của Khổng Tử, là một Nho thương đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, được mệnh danh là thủy tổ của Nho thương. Ông là người giàu có nhất trong số các đệ tử của Khổng Tử. Khi có được cuộc sống giàu sang, ông từng đau đáu suy nghĩ về nhân sinh bần hàn và phú quý. Do đó, ông mới hỏi Khổng Tử rằng: “Nghèo mà không nịnh nọt, giàu mà không kiêu ngạo, như thế là thế nào?”
Khổng Tử biết học trò này là người có ngộ tính rất tốt, học một hiểu mười nên đã bày tỏ thái độ đồng tình với quan điểm của Tử Cống. Đồng thời, ông còn dạy thêm rằng quan điểm ấy vẫn chưa phải là cảnh giới cao. Ông đã nhìn nhận về giàu nghèo như sau: “Nghèo mà có đời sống hạnh phúc vui vẻ, giàu mà sống có hiếu lễ, khiêm tốn.”
Nếu “bần” đại biểu cho thiếu thốn vật chất, thì “cùng” có nghĩa là không chỉ đối mặt với túng thiếu tiền bạc, mà còn đang phải chịu đựng nổi khổ về tinh thần.
Nghĩa gốc của chữ “cùng” là tận cùng, cùng cực, dưới đáy. Theo giải nghĩa chữ Hán, trong “Thuyết văn giải tự” giải thích rằng: “Cùng, cực dã, tòng huyệt cung (cung) thanh.” Ý tứ là cùng tức là cực, do chữ huyệt 穴 và chữ cung 躬 kết hợp mà thành.
Chữ “cùng” (窮) là thể từ hội ý kết hợp với hình thanh. Trong đó, lấy chữ huyệt 穴 biểu ý, tức là sào huyệt, hang động. Còn cung 躬, vừa biểu ý vừa biểu thanh, tức là khom mình, cúi người. Kết hợp hai chữ lại nghĩa là thân thể rơi vào trong hang, không thể cử động duỗi thẳng mình, đang trong bế tắc cực hạn. Tuy nhiên, chữ cùng “穷” trong tiếng Hán giản thể lại không thể nhìn ra hàm nghĩa thực sự của nó.
Vậy “cùng” cũng có nghĩa là bần, nhưng bần khốn, túng quẫn đến cực điểm, không còn gì cả. Trong “Tuân Tử - Đại lược” viết rằng: “Đa hữu chi giả phú, thiểu hữu chi giả bần, chí vô hữu giả cùng.” Ý tứ là, người sở hữu nhiều thì giàu, người sở hữu ít thì bần, người một chút cũng không có thì cùng.
Trong tiếng Hán cổ, chữ “cùng” đa số là biểu thị hoàn cảnh quẫn bách, có chí hướng nhưng không thực hiện được, có tài mà không được trọng dụng, chứ không phải là nghèo khó về của cải vật chất. Nhưng tư tưởng của con người cũng dần biến đổi theo thời gian, nên thái độ sống cũng ngày càng khác xưa.
Vì để truyền bá đạo tư tưởng Nho gia, Khổng Tử đã không quản ngại khó khăn, vất vả chu du khắp các nước chư hầu. Khi đến nước Trần thì bị vây khốn và tuyệt lương, học trò theo ông đều đói khát, ốm đau, lê không nổi. Tử Lộ vốn là người tính tình bộc trực, thấy tình cảnh túng quẫn này không nhịn được phẫn hận nói với Khổng Tử rằng: “Người quân tử cũng có lúc cùng khốn hết cách sao?” Khổng Tử đáp: “Người quân tử gặp khi cùng khốn thì cố giữ gìn chịu đựng, kẻ tiểu nhân gặp khi cùng khốn thì sẽ sinh ra lạm dụng làm liều.” Tức là mặc dù người quân tử cũng sẽ có lúc cùng đường mạt lộ, nhưng người quân tử khác với kẻ tiểu nhân ở chỗ, họ dù khốn cùng nhưng vẫn giữ vững chính đạo, trong khi kẻ tiểu nhân thì hồ đồ làm liều.
Mạnh Tử cũng có lý giải rất thấu đáo rằng: “Cùng bất thất nghĩa, đạt bất ly Đạo” và “Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm tế thiên hạ”. Ý là khốn cùng không mất đạo nghĩa, làm được điều ấy chính là không xa rời Đạo. Bần cùng giữ được mình, làm được điều ấy ắt tạo phúc cho thiên hạ.
Khuất Nguyên khi hoàn toàn lực bất trong tâm vẫn kiên định: “Ngộ bất năng biến tâm nhi tùng tục hề, cố tương sầu khổ nhi chung cùng.” Ý tứ là ông sẽ không thay đổi chí hướng của mình, quyết không bị những điều ô trọc vấy bẩn tư tưởng, thà chịu khổ cả đời vẫn phải kiên trì hoài bão.
Vương Bột trong “Đằng Vương các tự” cũng nói: “Lão đương ích tráng, ninh di bạch thủ chi tâm? Cùng thư ích hiền, bất trụy thanh vân chi chí.” Ý tứ là tuổi cao chí càng cao, nên hiểu lòng ông đầu bạc; trong gian khổ phải biết kiên trì phấn đấu, quyết không nhụt chí.
Tác giả: Lý Việt
Lâm Phương Vũ biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ